Tiếng Việt | English

07/11/2018 - 14:51

Chuyện về trường mầm non vùng biên

Nếu hơn 10 năm trước, học sinh vùng biên giới còn lắm gian nan trong hành trình tìm “con chữ” thì nay, điều kiện dạy và học có những bước tiến mới. Nhiều trường vùng biên đạt chuẩn quốc gia giúp học sinh có điều kiện học tập thuận lợi. Đặc biệt, cấp học mầm non ngày càng được quan tâm đầu tư, các trường học nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, Trường Mầm non Khánh Hưng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) là một trong những điểm sáng.

Trường Mầm non Khánh Hưng được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2010

Trường Mầm non Khánh Hưng được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2010

Bảo đảm cơ sở vật chất

Sau gần 15 năm thành lập và phát triển, Trường Mầm non Khánh Hưng ngày càng có những bước tiến mới. Khi mới thành lập, trường chỉ là ngôi trường nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn với 3 phòng học, không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Lúc bấy giờ, do điều kiện dạy và học còn khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ còn hạn chế; đồ dùng, đồ chơi dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Do đó, chất lượng giáo dục của trường chưa cao. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của chính quyền các cấp, ngôi trường vùng biên dần có những bước “chuyển mình”.

Từ ngôi trường nhỏ, thiếu thốn đủ bề và vỏn vẹn chỉ 3 phòng học thì nay, có 7 phòng học khang trang và nhiều phòng chức năng với hệ thống trang thiết bị đồng bộ hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Năm 2010, Trường Mầm non Khánh Hưng được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là niềm vui, tự hào và động lực lớn với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường trong công tác quản lý, giảng dạy.

Những phòng học mới rộng, thoáng mát và được trang trí đẹp không chỉ thu hút trẻ mà còn tạo nên diện mạo mới cho trường. Ngoài ra, sân chơi luôn sạch, đẹp, có bóng mát và đủ đồ chơi, bảo đảm cho các hoạt động ngoài trời của trẻ. Đặc biệt, trường còn có vườn cây ăn quả, vườn rau, bồn hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và là nơi trẻ học tập, khám phá trong hoạt động ngoài trời, trải nghiệm thực tế. Đó là một trong những giải pháp thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo môi trường sư phạm thật sự thân thiện cho các trẻ và phụ huynh.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Hưng - Trần Thị Ngọc Tra chia sẻ: “Sau khi được đầu tư cơ sở vật chất với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, đồ dùng đồ chơi theo đúng quy định, trẻ được chăm sóc, giáo dục trong điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều. Nhờ vậy, trường tạo được niềm tin, uy tín với phụ huynh, góp phần thực hiện tốt công tác bán trú và xã hội hóa giáo dục”.

Lấy trẻ làm trung tâm

Trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, Trường Mầm non Khánh Hưng luôn chú trọng phương pháp “Lấy trẻ làm trung tâm”. Trong mọi hoạt động, trẻ luôn là người chủ động tìm kiếm kiến thức mới. Áp dụng phương pháp dạy này, trẻ không chỉ tập trung hơn trong các hoạt động mà còn phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và rèn luyện sự tự tin, năng động.

Sân chơi luôn sạch, đẹp, có bóng mát và đủ đồ chơi, bảo đảm cho các hoạt động ngoài trời của trẻ

Sân chơi luôn sạch, đẹp, có bóng mát và đủ đồ chơi, bảo đảm cho các hoạt động ngoài trời của trẻ

Cô Đặng Thị Giang - giáo viên lớp lá 2, cho biết: “Lấy trẻ làm trung tâm là một trong những phương pháp luôn áp dụng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong quá trình dạy, tôi chỉ gợi ý cho trẻ thực hiện hay trả lời các câu hỏi. Nhờ vậy, trẻ thích thú học tập và khắc sâu kiến thức; đồng thời, tập dần thói quen phải tư duy, suy nghĩ để tìm ra đáp án, tránh được tình trạng thụ động, lười nhát. Ngoài ra, trẻ còn rất thích hoạt động trải nghiệm thực tế. Với hoạt động này, trẻ được tự tay chăm sóc vườn rau, vườn hoa và quan sát thực tế vườn cây ăn quả. Qua những hoạt động này, trẻ học được nhiều bài học giá trị. Và với những kiến thức tự khám phá ấy, trẻ không chỉ hứng thú trong quá trình học mà các kỹ năng sống cần thiết cũng được phát triển theo”.

Ngoài ra, trường còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo viên soạn bài giảng bằng máy tính, sử dụng giáo án điện tử và ứng dụng các phần mềm: Kidsmart, Happy Kid, Nutrikids,... vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, giáo viên còn tận dụng những nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương (lục bình, rơm, lá cây,...) hay những vật liệu phế phẩm để làm đồ dùng dạy học giúp phong phú hoạt động vui chơi, học tập của trẻ.

Trường cũng đặc biệt chú trọng dạy kỹ năng sống cho trẻ. Trong đó, trẻ luôn được học mọi lúc, mọi nơi với những bài học về lễ giáo, sự tự lập, kỹ năng ứng phó với thời tiết, người lạ,... Bên cạnh đó, với những trẻ béo phì, thấp còi, quá nhút nhát hay quá năng động luôn được giáo viên đặc biệt chú ý và có những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tình trạng của trẻ. Theo đó, giáo viên thường xuyên trò chuyện với trẻ, phối hợp chặt chẽ phụ huynh, chú ý khẩu phần ăn hàng ngày và cho trẻ tham gia các trò chơi vận động phù hợp.

Trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế, chăm sóc vườn hoa

Trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế, chăm sóc vườn hoa

Cô Trần Thị Ngọc Tra chia sẻ thêm: “Ngoài những việc làm trên, trường còn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia tập huấn, dự giờ, thao giảng và tự học để nâng cao trình độ. Trường tiến hành đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn và từng bước thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của tất cả cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao. Nhiều năm liền, trường đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc cấp huyện và có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết