Tiếng Việt | English

22/04/2017 - 15:59

Cô dâu

Mẹ mất vì tai nạn bất ngờ, lúc đó, Vy chưa đầy 8 tuổi. Sự thiếu vắng tình cảm của mẹ làm con bé trở nên ít nói, mất hẳn nét hồn nhiên ở lứa tuổi của nó.

Ba lúc nào cũng bận công việc, công tác liên miên nên từ nhỏ, Vy luôn quấn quýt bên mẹ. Cũng vì thế, vượt qua nỗi đau này với con bé là rất khó khăn, ba Vy hiểu điều đó nên cố gắng dành thời gian cho con nhiều hơn.

Ảnh minh họa

Quê nội ở xa, những lúc phải đi công tác, ba lại đem Vy về ngoại cách nhà Vy vài cây số. Cũng may lúc đó, dì Út vừa tốt nghiệp đại học, chưa tìm được việc làm nên có thời gian gần gũi, chuyện trò hoặc đưa Vy đi chơi, cố làm cho nó nguôi ngoai.

Ban đầu, những lúc ba bận công việc không thể ở nhà, cũng có mấy cô ở công ty ba đến lo cho Vy. Nó thấy cô nào cũng xinh, ăn mặc đẹp, hợp mốt chứ chẳng giản dị như mẹ. Các cô nói năng nhỏ nhẹ, ngọt ngào, chiều chuộng Vy lắm nhưng chẳng hiểu sao Vy không thích. Một khi không thích thì khó mà cạy miệng Vy được.

Mà nếu nó có mở miệng thì mấy cô cũng khó chịu với những lời nói cụt ngủn, mất cảm tình của nó. Cái vẻ lầm lầm lì lì khó ưa của Vy hình như đang cảnh giác bởi một ý nghĩ nào đó lẩn quẩn trong cái đầu rắc rối của nó. Cuối cùng, các cô cũng đành chịu thua. Khi ba về, nó bảo ba nếu có bận thì đưa con về ngoại, đừng mất công nhờ vả người ngoài.

Ông bà ngoại vốn rất quý ba Vy nên khi con gái mất, ông bà xem chàng rể này như con trai trong nhà. Các dì, các cậu đối với ba Vy cũng rất thân thiết, gần gũi. Có lẽ vì anh cư xử lễ nghĩa, đúng mực và luôn sống hết mình với bên ngoại. Không phải những lúc đi công tác ba mới đem Vy về ngoại mà cả những dịp nghỉ lễ, hai cha con cũng rủ nhau về đó.

Không khí gia đình bên ngoại ấm áp, thân thuộc giúp Vy dần nguôi ngoai nỗi buồn thiếu mẹ. Mà chính ba Vy cũng sợ phải đối diện với cảm giác trống trải, lạnh lẽo trong căn nhà in đậm kỷ niệm của người vợ dịu hiền, xinh đẹp.

Mãn tang mẹ, ông bà ngoại cứ nhắc ba Vy đi bước nữa, còn Vy để ông bà lo, nhưng lần nào anh cũng lảng tránh. Thực ra, ba Vy muốn tìm một người phụ nữ hiền hậu, không chỉ yêu anh mà còn thương cả con gái của anh thật lòng. Có như thế, anh mới yên tâm bởi anh là người của công việc, lại làm giám đốc một công ty lớn nên không thể trực tiếp chăm sóc, gần gũi con, ông bà ngoại cũng lớn tuổi, làm sao lo cho con bé hoài,...

Cho đến vừa rồi, sau 2 năm mãn tang mẹ, ba Vy qua thưa với ông bà ngoại rằng đã tìm được người hợp ý. Chỉ cần ông bà ngoại đồng ý thì ba sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết cho hôn lễ. Chẳng biết ba Vy nói thế nào mà sau một hồi nhìn nhau, cả ông ngoại và bà ngoại đều cười và nói rằng: “Cũng được! Các con tính vậy, ba má thấy cũng yên tâm, nhưng cứ để từ từ hãy cho con Vy biết”.

13 tuổi, trông Vy ra dáng thiếu nữ. Nó hợp với dì Út nhất nhà, chắc cũng tại dì nó tâm lý, rành những ý thích đôi lúc chẳng giống ai ở cái tuổi lỡ cỡ của nó. Đúng ra, dì Út cũng phải tìm đọc sách báo mới hiểu được nó như thế, chứ con nít thời nay chẳng hề đơn giản chút nào! Hai dì cháu cứ rủ rỉ rù rì, chuyện trò như hai người bạn thân. Nó biết làm điệu nên rất thích đi mua sắm. Nó bảo, chỉ có dì Út mới biết chọn đồ đẹp, vừa ý nó.

Hôm rồi, chẳng biết nghe được từ đâu mà vừa đi học về, Vy tức tốc tìm ba hỏi:

- Con nghe người ta nói ba sắp cưới vợ
hả ba?

Ba giật mình, dò ý nó:

- Nếu ba cưới vợ, con thấy thế nào?

Vy tỏ ra bất cần:

- Con chẳng thấy thế nào cả, chuyện của ba mà!

- Đâu phải chuyện của riêng ba. Ba nghĩ kỹ rồi, ba con mình cũng cần một gia đình...
Nó chưa nghe hết câu đã gay gắt:

- Không! Con không cần. Thì cứ sống như lâu nay đi, có sao đâu? Con cũng không muốn ai khác thế chỗ mẹ...

- Nhưng người này sẽ thương con như mẹ mà.

- Không! Con không tin. Chỉ có người rứt ruột đẻ ra mới thương con mình thôi.

Nói rồi, Vy vùng vằng bỏ đi làm ba chưng hửng nhìn theo con gái.

Ảnh minh họa

Vy đạp xe đến nhà ông bà ngoại, nó khóc bảo chẳng ai có thể thay thế mẹ nó được. Mẹ nó là người đẹp nhất, tốt nhất, hiền nhất, không ai bằng. Nó không muốn bất cứ người phụ nữ nào thế chỗ mẹ nó, vì chắc chắn người ta không thể thương nó như mẹ.

Trong đầu Vy đang nhớ đến chuyện tụi bạn nó từng nói, vì nhà nó giàu, ba nó làm giám đốc nên nhiều người muốn làm vợ ba nó để sau này giành tài sản với nó chứ làm gì có dì ghẻ thương con chồng? Chỉ có mẹ mang nặng đẻ đau mới thực sự thương nó mà thôi. Ý nghĩ đó càng làm Vy kiên quyết phản ứng việc ba nó cưới vợ. Vì thế, nó về ngoại để tìm... “đồng minh”!

Mọi người lắng nghe Vy trút nỗi lòng, để nó nói cho đã rồi dì Út mới rủ rỉ rằng, người ta thương ba thì chắc sẽ thương cả con của ba thôi. Thiếu gì người thương con chồng như con đẻ, đâu phải dì ghẻ nào cũng ghét con chồng. Mà con gái xinh đẹp thế này, ai mà không thương chứ?

Nhưng Vy không tin, nó bảo đến lúc, ba nó với mẹ kế có con chắc chắn nó sẽ ra rìa, vì người ta phải thương con mình đẻ ra chứ... Mà sống như lâu nay cũng tốt, cần gì phải có thêm người cho phiền phức! Sau một hồi lý lẽ, nó “chốt” lại như thế!

Bà ngoại nghe vậy lại nhẹ nhàng thuyết phục nó. Bà bảo, một gia đình thiếu vắng bàn tay chăm chút của người phụ nữ sẽ không còn là một gia đình đúng nghĩa. Con cứ ngoan ngoãn thì sợ gì người ta không thương? Lớn lên, con sẽ hiểu, con người ta cũng như chim, cần có tổ ấm và có đôi, có cặp, đừng để ba con lẻ bóng tội nghiệp...

Bà ngoại còn nói với nó nhiều lắm, Vy nghe chưa hiểu nhiều nhưng nghĩ lại thấy cũng tội cho ba. Từ ngày mẹ mất, dù rất bận rộn nhưng ba vẫn dành thời gian gần gũi, chăm sóc nó nhiều lắm. Có những lúc, ba ngồi lặng lẽ một mình, trông thật cô đơn.

Nhưng rồi cứ nhớ đến những câu chuyện nghe kể về mấy bà dì ghẻ độc ác, ghét bỏ con chồng, Vy lại thấy sợ. Nó chẳng biết phải làm sao mới phải. Trong cái đầu dở dở ương ương, chẳng còn trẻ con nhưng cũng chưa ra người lớn của nó rối tinh rối mù lên đủ thứ ý nghĩ lộn xộn muốn nhức cả đầu.

Cuối cùng nó xẵng giọng: “Thì ba cứ cưới đi! Nhưng con không đi rước dâu. Con ở nhà!”.

Trước hôm đám cưới ba Vy mấy bữa, ông bà nội và mấy chú, mấy cô ở tận ngoài quê vào trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đủ thứ cho đám cưới, rộn ràng, náo nhiệt nhưng Vy chẳng thèm quan tâm. Các cô vuốt mái tóc dài đen mượt của Vy bảo: “Con gái lớn, dáng đẹp thế này mặc áo dài, bưng quả là đẹp nhất”.

Mặt Vy lạnh tanh: “Hổng thèm!”, rồi xách xe đạp đi học. Có bữa, học xong, nó không về, chỉ điện thoại nói ở lại học nhóm với bạn cùng lớp. Mọi người nghĩ nó đang “làm nư”, lại bận rộn đủ thứ nên mặc kệ nó.

Hôm rước dâu, trước cổng nhà Vy đậu sẵn mấy chiếc xe rất sang trọng, chiếc xe rước dâu được kết hoa thật đẹp. Ai cũng xúng xính quần áo đẹp, nói cười rộn rã, quên để ý đến Vy. Ba nó cũng bận rộn, lăng xăng chuyện nọ, chuyện kia mà không biết nó đang nằm khóc một mình trong nhà vì tủi thân.

Vy lo lắm, người phụ nữ thế chỗ mẹ nó không biết có dữ dằn không? Có giành nhà cửa rồi tìm cách đuổi nó ra đường không? Vy cũng sợ ba nó có người mới sẽ không còn thương nó, không còn lo lắng và bảo vệ nó,... Rồi Vy thiếp đi với bao ý nghĩ lo lắng trong đầu.

Vy giật mình vì tiếng cười nói ồn ào, rồi tiếng ai đó vẻ mừng rỡ: “Cô dâu về rồi!”. Nghe vậy, nó vội vã nhảy xuống giường nhìn qua cửa sổ, thoáng thấy ba nó trên xe bước xuống rồi xoay người lại nắm tay cô dâu vừa bước ra. Nhìn họ có vẻ hạnh phúc, Vy thấy khó chịu, lại lên giường nằm. Nằm thì nằm vậy thôi chứ tiếng cười nói lao xao ngoài kia làm nó tò mò không chịu nổi.

Ảnh minh họa

Đến lúc cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên, Vy cầm lòng không đặng, vùng dậy lén nhìn qua khe cửa. Nó chau mày, không hiểu sao nhìn gần thấy đằng sau cô dâu có vẻ quen quen? Vừa lúc cô dâu quay qua, nó giật mình: “Ủa!... Ai như... dì Út... Sao là dì Út?”.

Nó căng mắt nhìn kỹ lần nữa, đúng dì Út rồi! Dù hôm nay được trang điểm kỹ nhưng nó vẫn nhận ra dì Út của nó, nhất là lúc dì cười, chiếc răng khểnh kia không lẫn vào đâu được! Nó mừng quá chạy ào ra, quên cả chuyện mọi người đang làm lễ: “Cô dâu là dì Út! Út... Sao Út không nói với con?”.

Mọi người bất ngờ quay ra nhìn Vy, ngỡ ngàng rồi chợt hiểu. Đến lúc đó, Vy mới nhận ra có cả ông bà ngoại đang ở đó, ông bà nhìn nó nhẹ cả người. Cô dâu, chú rể cười tươi như hoa, như không còn gợn chút ưu tư nào trong ánh mắt.../.

Hoài Thu

Chia sẻ bài viết