Tiếng Việt | English

04/12/2019 - 10:55

Cô gái trẻ mê đất sét

Thời gian gần đây, tượng chibi, những món đồ lưu niệm, đồ trang trí làm bằng đất sét đang chiếm được cảm tình của các bạn trẻ. Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ, những người làm nghề tạo hình đất sét đã "thổi hồn" vào các tác phẩm của mình một cách sống động.

Đến với đất sét vì tò mò nhưng rồi cô gái trẻ Nguyễn Trang Sơn Tuyền mê nghệ thuật tạo hình đất sét khi nào không hay

Tình cờ bén duyên

Tốt nghiệp Trường Đại học Văn Lang TP.HCM chuyên ngành Thiết kế đồ họa, chị Nguyễn Trang Sơn Tuyền (SN 1994), ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An “bén duyên” với nghệ thuật tạo hình từ đất sét gần 4 năm nay. Chị tâm sự: “Tôi đến với nghề tạo hình đất sét rất tình cờ. Năm 2016, khi đang là sinh viên, bản thân chưa biết gì về tạo hình đất sét, vô tình thấy thông tin tuyển dụng nhân viên của một cửa hàng, nhìn hay hay nên đánh liều xin làm thêm. Ban đầu, chủ cửa hàng chỉ cho nặn móc khóa nhưng trong một lần có đơn đặt hàng gấp, chị chủ “đánh liều” cho tôi làm tượng người. Từ đó về sau, tôi bắt đầu thử sức với việc nặn tượng người”.

Các sản phẩm làm từ đất sét được nhiều người yêu thích

Đến với đất sét chỉ vì tò mò nhưng rồi Sơn Tuyền mê luôn nghệ thuật tạo hình độc đáo này khi nào không hay. Thế rồi, cô gái trẻ ấy có một quyết định táo bạo trong cuộc đời là sẽ gắn bó với nghệ thuật tạo hình đất sét thay vì theo chuyên ngành Thiết kế đồ họa đã học ở trường. Làm ở cửa hàng được hơn 1 năm, Sơn Tuyền quyết định mở cửa hàng online để thỏa đam mê cũng như kiếm thêm thu nhập. Vốn xuất thân học mỹ thuật nên cô gái trẻ ấy bắt nhịp với công việc khá nhanh.

Sơn Tuyền cho biết: “Trước đây, tôi có học mỹ thuật, học vẽ người nên bản thân mình cũng biết về tỷ lệ cơ thể người, cách pha màu. Thật sự, khoảng thời gian đi học và làm thêm đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong công việc sau này”.

Được biết, tạo hình đất sét có nguồn gốc từ Nhật Bản, du nhập vào Việt Nam được khoảng 10 năm nay, ban đầu chủ yếu là làm hoa đất sét nhưng dần dần, bằng sự sáng tạo, người làm đã tạo ra được nhiều sản phẩm đa dạng như móc khóa, tượng chibi, đồ lưu niệm,...

Thành công nhờ bị... chê

Để tạo ra một sản phẩm từ đất sét, ngoài khéo tay còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, đặc biệt là phải có niềm đam mê. Sơn Tuyền cho biết: “Ban đầu, tôi làm một sản phẩm phải mất từ 2-3 ngày, các sản phẩm làm ra bị khách... chê không đẹp, phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần. Khi nhận được những phản hồi ấy, dù hơi buồn nhưng tôi biết đó là những góp ý chân thành và mình phải cố gắng hoàn thiện các sản phẩm hơn nữa. Mỗi lần được góp ý, tôi đều ghi lại, sau đó lên mạng xem các video hướng dẫn tạo hình đất sét để khắc phục khuyết điểm. Hiện trung bình mỗi ngày, tôi có thể nặn được khoảng 4-5 tượng”.

Để gắn bó với nghề tạo hình đất sét, đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và óc quan sát tinh tế

Có thể nói, nhờ sự nỗ lực, niềm đam mê học hỏi, giờ đây, các sản phẩm từ đất sét của cô gái trẻ Nguyễn Trang Sơn Tuyền được đông đảo mọi người đón nhận. Các sản phẩm này được chọn làm quà tặng hay vật trang trí, góp phần làm đẹp không gian sống. Với ưu điểm giữ được lâu, không gây độc hại nên đất sét được nhiều người yêu thích, tùy vào kích thước, kiểu dáng mà các sản phẩm sẽ có giá dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng.

Những chiếc móc khóa xinh xắn làm từ đất sét

Theo Sơn Tuyền, để tạo ra những tác phẩm sống động, có “hồn”, ngoài sự khéo tay, tỉ mỉ còn đòi hỏi óc quan sát tinh tế của người làm. “Nguyên liệu tạo hình đất sét khá đơn giản, chủ yếu là đất, màu dầu, kẽm và một số phụ liệu khác. Quá trình để tạo ra một sản phẩm không quá khó. Trước tiên là xem kỹ hình ảnh mà khách đặt hàng, sau đó lên kế hoạch trong đầu sẽ thực hiện từng bộ phận trên mẫu như thế nào (từ đầu, tóc, mặt, thân đến quần áo, giày dép,…), tiếp theo là pha màu cho đất và nặn, cuối cùng là chỉnh sửa các chi tiết để sản phẩm làm ra giống với yêu cầu của khách. Việc khó nhất để tạo ra tượng chibi sống động là ở khâu tạo mặt cho tượng. Để làm được điều này, đòi hỏi người thực hiện phải tinh tế quan sát vì khuôn mặt mỗi người đều có nét riêng biệt” - Sơn Tuyền chia sẻ.

Được biết, sau khi trừ chi phí, Sơn Tuyền có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Hiện tại, cô gái trẻ này vẫn ngày ngày ấp ủ ước mơ tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo từ đất sét và mang chúng “vươn mình” ra khỏi mảnh đất hình chữ S, phục vụ khách hàng trong và ngoài nước./.

Bùi Tùng – Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết