Tiếng Việt | English

05/01/2017 - 09:33

Cô giáo vùng sâu đầy nhiệt huyết

Dù ở cương vị giáo viên hay cán bộ quản lý, cô Trịnh Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, vẫn không ngừng đóng góp sức mình nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị.

Gắn bó với giáo dục mầm non của huyện từ những ngày Tân Hưng mới được thành lập, trải qua bao thăng trầm cùng nghề giáo nhưng cô Trịnh Thị Thủy luôn tự hào với nghề mình lựa chọn.

Một thời gian khó

Năm 1995, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, lớp học được làm bằng mái lá, nền đất. Mùa lũ, nước ngập vào tận phòng học. Những ngày mưa, phòng dột, cô, trò phải gom lại một góc để tránh mưa thế nhưng, cả cô và trò vẫn kiên trì bám lớp, chỉ nghỉ học khi nước dâng cao, không bảo đảm an toàn.

Lúc đó, vì ít giáo viên mầm non nên cô Thủy không có nhiều điều kiện học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ mà chủ yếu giữ trẻ an toàn và dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản: Biết lễ phép, tự phục vụ những việc đơn giản, giáo dục đạo đức,...

Không có phương tiện đi lại, hàng ngày, cô Thủy phải đi bộ với khoảng cách 1km từ nơi ở đến trường. Lương giáo viên thời điểm đó cũng thấp nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, cô quyết tâm theo đuổi.

Sau một năm đầy gian khó, những năm tiếp theo, điều kiện dạy trẻ có nhiều khởi sắc. Cô Thủy có thêm những đồng nghiệp mới, đỡ đần phần nào công việc. Phòng học cũng được chuyển đến điểm mới, tuy vẫn nhà lá, nền đất,... nhưng việc chăm sóc và dạy trẻ thuận lợi hơn. Cô vẫn cố gắng, thầm lặng
cống hiến sức mình để những đứa trẻ vùng sâu được đến trường, mạnh dạn và tự tin hơn.

Tất cả vì sự phát triển của trẻ

Khắc phục dần những hạn chế, khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, cô Thủy tập trung hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là quan tâm đến sức khỏe của trẻ, không để trẻ mắc các bệnh về suy dinh dưỡng.

Cô Thủy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó, cô tâm đắc sáng kiến về "Một số biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ trong trường mầm non". Đây là sáng kiến xuất phát từ thực tế khó khăn, hạn chế của địa phương. Qua nghiên cứu tài liệu, cô hướng dẫn phụ huynh cách chế biến bữa ăn bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng,... Nhờ vậy, khi đến trường, trẻ không chỉ được phát triển đầy đủ những kỹ năng mà còn phát triển cả về thể chất.

Nhờ sáng kiến kinh nghiệm đó, vào cuối năm học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của trường giảm mạnh so với đầu năm học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.

Với những nỗ lực, cống hiến cho ngành giáo dục, cô Thủy được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật: Bằng khen của UBND tỉnh năm học 2012-2013, 2014-2015; 5 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó, năm 2016 đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết