Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 10:06

Có một di chỉ khảo cổ học lớn giữa vùng Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười được biết đến là vùng đất được ông cha ta khai phá muộn trong cuộc hành trình khai mở đất phương Nam. Đồng Tháp Mười hiện lên trong lịch sử là “thủ đô kháng chiến”, “Việt Bắc của miền Nam”. Ít ai biết rằng, nơi đây có một một di chỉ khảo cổ học lớn phản ánh một giai đoạn văn hóa bản lề từ hàng nghìn năm trước, từ tiền sử sang sơ sử ở Nam Bộ.


Một hố khai quật tại di chỉ Gò Chùa. Ảnh: TL (Bảo tàng Long An)

Đó là di chỉ khảo cổ học Gò Ô Chùa ở xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, đã được xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 02/2004/QĐ-BVHTT, ngày 19-01-2004 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-thể thao và Du lịch). Có dịp về Vĩnh Hưng, bạn có thể đi xuồng (khoảng 1 giờ) đến di tích hoặc theo Đường tỉnh 831 đến trụ sở xã Khánh Hưng rồi rẽ phải 15 km, hiện ra trước mắt bạn một gò đất cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3 m, dài 4500m được bao quanh bởi một con rạch tên là rạch Ô Chùa vốn bắt nguồn từ sông Cái Cỏ, là con sông phân chia biên giới Việt Nam-Campuchia, đó là Gò Ô Chùa.

Đồng Tháp Mười là vùng đất mới đối với khảo cổ học nên di chỉ này mới được phát hiện năm 1988, được khai quật lần đầu tiên vào tháng 4 đến tháng 5-1997, đến nay trải qua 4 lần khai quật bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam và đến từ Cộng Hòa Liên bang Đức. Hiện vật thu thập được khá phong phú với nhiều chất liệu khác nhau, như đồ gốm (đồ đựng, nồi, chum nhỏ, bình đáy tròn, tô chậu, mâm bồng, vung...), công cụ xương, sừng và gạt hươu, công cụ sắt (mũi nhọn, thuổng có họng tra cán…), hạt chuỗi (bằng đá quý), lục lạc và vòng đồng, mảnh khuôn đúc, nồi rót kim loại...

Kết quả khai quật và nghiên cứu cho thấy quy mô rộng lớn và tầng văn hóa dày của di chỉ này chứng tỏ cộng đồng cư dân cổ đã sống ở đây trong một thời gian dài với cuộc sống khá phát triển, liên tục, vững chắc và ngày càng phong phú và tinh tế, dần trở nên khác biệt với thuở ban đầu. Đồ gốm ở đây có độ nung cao. Những sản phẩm bằng đồng, nồi nấu kim loại và khuôn đúc đồng đã xuất hiện và sau đó đồ sắt được dùng cùng với đồ đồng. Đồ trang sức như hạt chuỗi bằng đá quý, vòng đeo tay bằng đồng,... đã được sử dụng rộng rãi trong khi đồ đá, đồ xương giảm vai trò trong đời sống xã hội dù vẫn giữ vai trò trong tập tục lễ nghi,... Khối lượng lớn dọi xe chỉ và việc sử dụng nó làm đồ tùy táng cùng dấu vết vải để lại trên rất nhiều mảnh gốm cho thấy nghề dệt rất được coi trọng và đã làm được loại vải mịn và mỏng. Vỏ trấu, hạt lúa được tìm thấy trong xương gốm cho thấy vai trò lương thực chủ yếu của lúa gạo. Hệ thống hào, rạch bao quanh di chỉ nối liền với sông Cái Cỏ, Long Khốt cho thấy cư dân cổ nơi đây chọn nơi ở cao để tránh lũ nhưng đồng thời cũng gần nguồn nước.


Hiện vật phát hiện tại gò Ô Chùa. Ảnh: TL (Bảo tàng Long An)

Thực tế cho đến ngày nay, Ô Chùa chỉ bị ngập bởi cơn lũ lịch sử năm 2000. Di cốt động vật cho thấy họ đã thuần dưỡng heo, chó nhà, trâu,… Gốm 3 chạc với số lượng lớn được sản xuất cho thấy đã quan hệ có tiếp xúc, trao đổi với những trung tâm buôn bán với thế giới bên ngoài như vùng Đông Nam Bộ. Khung niên đại di tích Gò Ô Chùa được đoán định khoảng 2 – 300 năm trước Công nguyên tới 2 – 300 năm sau Công nguyên (theo sách Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2001).

Di chỉ Gò Ô Chùa với những gì phát hiện, nghiên cứu và công bố đã góp phần làm cho Long An được biết đến là một trong những địa phương có đóng góp lớn đối với khảo cổ học Nam Bộ và cả nước nói chung. Nó cho thấy sự hình thành và phát triển nội sinh từ giai đoạn Tiền sử sang văn hóa Óc Eo, giai đoạn bản lề từ Tiền sử sang Sơ sử. Gò Ô Chùa chính là một ngả đường tiến đến Óc Eo và thực sự đóng góp vào sự phát triển nội sinh của nền văn hóa nổi tiếng này, góp phần làm rõ chủ nhân vùng đất mới. Nhiều hiện vật ở di tích Gò Ô Chùa đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội với tư cách là đại diện cho giai đoạn văn hóa này ở Nam Bộ.

Có dịp về Đồng Tháp Mười thăm lại vùng căn cứ bưng biền, thăm khu bảo tồn sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái vùng đất ngập nước Làng nổi Tân Lập và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, thưởng thức đặc sản mùa nước nổi với những món ăn đậm chất dân dã giữa trời nước mênh mông,…bạn hãy ghé thăm Gò Ô Chùa để cảm nhận và suy ngẫm công nghiệp của tiền nhân-cộng đồng cư dân cổ trên vùng đất tưởng chừng khai mở muộn đã làm nên yếu tố nội sinh, để từ đó tiến lên đạt đến đỉnh cao văn minh Đông Nam Á sau này mà chúng ta được biết đến qua nền Văn hóa Óc Eo./.

Nguyễn Tấn Quốc (Theo tài liệu Bảo tàng Long An)

Chia sẻ bài viết