Tiếng Việt | English

13/12/2016 - 17:59

Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười

Có nên sử dụng hơn 20ha để thí nghiệm?

Nhiều người dân ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa tỉnh Long An phản ánh việc chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười có trụ sở tại xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường (gọi tắt trung tâm) sử dụng hơn 20ha đất nông nghiệp (tại ấp 5) để phục vụ mục đích thí nghiệm và lai tạo giống lúa mới. Tuy nhiên, chi nhánh chỉ sử dụng khoảng hơn 1ha, số diện tích còn lại cho thuê.

Bí thư Chi bộ ấp 5 - Lê Văn Nhanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri: "Vì ruộng của tôi sát với ruộng của chi nhánh trung tâm nên tôi biết, trung tâm chỉ sử dụng khoảng 1ha để làm thí nghiệm và lai tạo giống lúa, số đất còn lại họ cho thuê. Một số diện tích đất giáp Quốc lộ 62 bị hợp thức hóa thành đất tư nhân".

Toàn cảnh khu chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười tại ấp 5, xã Tân Lập, quản lý hơn 20ha đất sản xuất.

Theo Trưởng ấp 5 - Phan Thanh Tuấn, đúng như lời Bí thư Chi bộ phát biểu, 4 hộ thuê đất sản xuất là hộ chị Lý Thị Thu Hồng - kỹ sư, cán bộ trung tâm, ngoài việc làm thí nghiệm lai tạo giống lúa thì chị Hồng thuê đất của trung tâm sản xuất. Ngoài ra, còn có các hộ ông Lê Nguyên Phức, con rể ông Phức là ông Nguyễn Văn Luyến, hộ ông Nguyễn Văn Chính là người dân ấp 5 thuê hơn 3ha đất sản xuất. Trao đổi với phóng viên, ông Chính cho biết: "Tôi thuê đất sản xuất của chi nhánh từ lâu, do quen biết nên họ cho thuê rẻ hơn ngoài thị trường, chỉ 8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi thời điểm năm rồi, giá ngoài thị trường là 15-16 triệu đồng/ha/năm".

Được biết, khu đất thuộc chi nhánh trung tâm có đê bao hoàn chỉnh, thích hợp trồng lúa. Theo ông Nhanh và ông Tuấn thì diện tích chi nhánh quản lý từ 25-27ha chứ không phải chỉ 20ha như cán bộ trung tâm nói.
Trao đổi về vấn đề này, kỹ sư chi nhánh trung tâm - Lý Thị Thu Hồng cho biết: "Khu vực đất này là do kỹ sư, cán bộ trung tâm đến khai phá từ khi còn hoang hóa. Sau khi Chương trình ISA/FOS/Đồng Tháp Mười ngưng thì trung tâm tiếp tục hoạt động thí nghiệm, lai tạo giống lúa mới chịu phèn và thử nghiệm để tạo ra loại phân bón phù hợp với đất phèn, đây làm nhiệm vụ chính của chúng tôi". Theo kỹ sư Hồng, diện tích cần để thực nghiệm 2 lĩnh vực nói trên chỉ cần khoảng 5ha.

Như vậy, việc phản ánh của người dân ấp 5 hoàn toàn có cơ sở vì với mục đích thí nghiệm, thử nghiệm đâu cần tới diện tích quá lớn như vậy. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Phạm Chí Cầm cho biết: "Trước đây, xã và huyện nhiều lần phản ánh với trung tâm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên không có cơ sở để kiến nghị".

Thiết nghĩ, việc thí nghiệm, thử nghiệm để tạo ra giống lúa mới có chất lượng cao, việc nghiên cứu để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc sử dụng đất với danh nghĩa nghiên cứu khoa học lãng phí để người dân phản ánh thì cần phải xem xét lại để sử dụng đất đai đúng mục đích, tạo sự công bằng xã hội./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết