Tiếng Việt | English

17/11/2016 - 16:31

Con đường xuất khẩu nông sản còn lắm gian nan

Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là một số nông sản chủ lực không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn đáp ứng một phần thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà con đường ra “biển lớn” của nông sản tỉnh nhà còn lắm khó khăn, trắc trở.

Chanh của Hải Âu Farm xuất khẩu ra nước ngoài qua doanh nghiệp xuất khẩu chứ chưa thể trực tiếp giao dịch với đối tác nhập khẩu

Gian nan đường ra “biển lớn”

Hiện tại, kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ yếu thông qua hoạt động của thương lái. Hậu quả, người sản xuất và người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi, nhà chế biến và nhà xuất khẩu (XK) thường xuyên trong tình trạng bị động.

4 loại nông sản chủ lực của Long An được XK gồm: Thanh long, chanh, gạo, chuối. Tuy nhiên, khi XK những nông sản trên gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Theo Sở Công Thương Long An, nông sản XK sang châu Âu đòi hỏi độ an toàn thực phẩm cao, đồng thời giá XK cao hơn từ 5-10% so với XK sang Trung Quốc. Do đó, châu Âu là thị trường tiềm năng mà các đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản mong muốn hướng tới.

Giám đốc HTX Thanh long Long Trì - Lê Minh Chánh cho biết, 90% sản lượng của HTX được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc và phải thông qua DN XK. HTX chịu rủi ro rất cao nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Thị trường châu Âu vẫn luôn là cơ hội tiềm năng mà bất kỳ đơn vị XK nào cũng mong muốn tiếp cận. Để “chinh phục” thị trường khó tính này, HTX đang trang bị hệ thống rửa và đóng gói trái thanh long tự động, máy đo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng màng thông minh bảo quản nhằm bảo đảm tiêu chuẩn nhập khẩu.

Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An chia sẻ, khó khăn hiện tại là nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch. Thông tin thị trường và kiến thức kinh doanh còn hạn chế, trong khi thị trường ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm. Nguồn vốn mở rộng nhà xưởng, kho lạnh bảo quản hạn chế, giá thị trường không ổn định.

Thanh long xuất khẩu sang các nước châu Âu và 1 số nước khác theo đường chính ngạch chỉ có 10% tổng sản lượng

Với cây chanh, diện tích trồng trong toàn tỉnh khoảng 7.000ha, sản lượng khoảng 105.000 tấn/năm. Hiện, chanh được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ đến tận nhà vườn hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu mua và XK trực tiếp đến các nước châu Âu khoảng 15%. 85% còn lại, có 60% XK sang Trung Quốc, 40% tiêu thụ nội địa.

Còn tại Trang trại Hải Âu (Hải Âu Farm) với thương hiệu Chanh không hạt Vica (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), mỗi ngày xuất bán từ 30-40 tấn chanh. Trong đó, 80% cho thị trường ngoài nước (Trung Đông, Singapore, Trung Quốc,...); 20% cho thị trường nội địa. Chanh XK ra nước ngoài cũng qua DN XK chứ chưa thể trực tiếp giao dịch với đối tác nhập khẩu. Hiện tại, Hải Âu Farm hợp tác với khoảng 20 DN XK.

Chủ trang trại Hải Âu - Bùi Thị Ba cho biết, nguyên nhân chủ yếu là trang trại chưa đủ điều kiện XK trực tiếp vì bà vẫn muốn bước “chậm mà chắc”. Dù có giảm đi một phần lợi nhuận cho khâu trung gian nhưng thấy an tâm hơn. Bởi vì, DN XK chia sẻ “gánh nặng” về thủ tục để đơn vị có thời gian tập trung cho sản xuất.

Tuy vậy, người sản xuất nông sản vẫn luôn trong tình trạng thiệt thòi: Bị ép giá hoặc "bẻ chỉa" khi thị trường biến động. Đây cũng là tình trạng không hiếm tại các DN, đơn vị sản xuất hàng nông sản.

Chuối là một trong những mặt hàng của Long An có thể xuất trực tiếp ra nước ngoài và duy nhất chỉ Công ty TNHH Huy Long An (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) tham gia với hiệu “Huylongan”, chủ yếu là thị trường Singapore, Maylaysia, Philippin, các nước Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản.

Giám đốc công ty - Võ Quan Huy cho biết, do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng, đến thời điểm này, tăng diện tích lên 200ha. Bình quân mỗi tuần, công ty XK trực tiếp đi Nhật 2 container (1 container khoảng từ 16-20 tấn), đi Trung Quốc 2 container. Hiện, ông tiếp tục xúc tiến thương mại đến các nước khác để tăng sản lượng XK.

Những khó khăn, yếu kém và nguyên nhân

Với mặt hàng gạo, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng, không riêng DN XK gạo ở Long An mà DN XK gạo nhiều địa phương khác cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung nên lượng gạo XK giảm: Thứ nhất, thị trường thế giới, nhất là những thị trường truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Philippin, Trung Đông sụt giảm nhu cầu nhập khẩu, do họ tự sản xuất; Thứ hai, hiện Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt với gạo cao cấp do Thái Lan, Campuchia sản xuất và XK; Thứ ba, trước đây, DN Long An mỗi năm XK trên 1 triệu tấn gạo sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, hiện nay, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu gạo, chặn đứng đường nhập tiểu ngạch.

Chuối là một trong những mặt hàng có thể xuất trực tiếp đi nước ngoài của Long An

Ông Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh, việc sản xuất nông sản tại Việt Nam, trong đó có Long An còn nhiều hạn chế về khâu tổ chức sản xuất với 4 nguyên nhân: Thứ nhất, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, khó kiểm soát chất lượng; chất lượng giống chưa cao dẫn đến độ đồng đều không cao, giá cả không cạnh tranh. Thứ hai, về quy trình sản xuất vẫn theo truyền thống, chưa theo quy trình sản xuất công nghiệp; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định; tỷ lệ hàng nông sản sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP còn thấp. Thứ ba, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa bảo đảm yêu cầu. Cuối cùng, do sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ nên nông dân, HTX chưa nhận thức đúng việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu.

Để nông sản Long An vươn xa

Nếu các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân, HTX khắc phục những điểm yếu trên, chắc chắn những mặt nông sản chủ lực của Long An tiếp cận tốt thị trường thế giới. Riêng về việc hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản, ngành Công Thương tỉnh tiếp tuc giới thiệu thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; sự hỗ trợ quảng bá sản phẩm của tham tán thương mại Việt Nam ở các nước.

Đồng thời, cần quy hoạch, bố trí lại sản xuất nhằm hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chú trọng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm cần được tăng cường cùng các giải pháp thúc đẩy, liên kết tiêu thụ nông sản của ngành chức năng. Không chỉ vậy, ngay cả bản thân người sản xuất, nhà nông, các HTX cũng cần khắc phục tâm lý kiểu mua bán theo lối “ăn xổi ở thì”,... phải có tầm nhìn rộng, sản xuất nông sản bảo đảm chất lượng là tiêu chí hàng đầu khi muốn ra “biển lớn”./.

Mai Hương-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết