Tiếng Việt | English

14/11/2019 - 10:00

Còn nhiều khó khăn trong việc bố trí nơi ở mới cho các hộ dân trên 2 cù lao ở xã Thanh Vĩnh Đông

Trước tình trạng sạt lở diễn ra, cù lao ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" và hiện tại, đời sống những hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Mặc dù huyện có dự kiến di dời các hộ về nơi khác nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí.

Sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống người dân

Sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống người dân
Theo thời gian, nhiều phần đất của người dân tại cù lao ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành đã nằm dưới lòng sông. Trước tình trạng sạt lở đang xảy ra, đất cù lao ngày càng thu hẹp và số hộ dân sinh sống nơi đây cũng ngày càng thưa thớt.

Mới đây, UBND huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra thực tế để đánh giá tình trạng sạt lở ở cù lao xã Thanh Vĩnh Đông, qua đó nắm bắt và tìm hiểu thêm đời sống của các hộ dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng thông tin: “Thanh Vĩnh Đông là xã vùng hạ của huyện, có 2 cù lao (cù lao Vĩnh Viễn và cù lao Xuân Hòa), tổng diện tích 10,3ha. Năm 2015, tổng số hộ dân sống trên 2 cù lao là 62 hộ với 368 nhân khẩu. Do nằm trong khu vực sạt lở nên diện tích 2 cù lao ngày một thu hẹp”.

Những năm qua, để ổn định cuộc sống những hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở ở 2 cù lao này, huyện Châu Thành tuyên truyền, vận động, hỗ trợ những hộ bị ảnh hưởng sạt lở di chuyển sang đất liền định cư. Từ năm 2015 đến nay đã di cư 24 hộ, trong đó có 10 hộ thuộc diện hỗ trợ từ chương trình Habitat.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng, hiện 38 hộ với 122 nhân khẩu đang sinh sống ở 2 cù lao này, đa số còn khó khăn, sinh sống bằng nghề chài lưới, không có đất canh tác bên đất liền. Ngoài ra, điều kiện sống của người dân ở đây còn thiếu thốn như đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất; trẻ em không có điều kiện vui chơi, giải trí, thậm chí phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.

Bà Ngô Thị Vàng - người dân sinh sống trên cù lao, buồn bã kể: “Khi bị đau ốm, nhà nào có xuồng thì đưa người thân đi bác sĩ sớm, còn không thì phải chờ đợi người đưa đò rất lâu mới đi được. Ngoài ra, ai đi làm thuê về trễ phải mướn nhà trọ ngủ lại, xe phải gửi bên đất liền với giá 60.000-70.000 đồng/tháng. Ở đây, phương tiện đi lại rất khó khăn”.

Để thực hiện bố trí, di dời những hộ còn lại, UBND huyện tính đến phương án san lấp mặt bằng khu vực đập Rạch Heo (xã Thuận Mỹ), diện tích khoảng 2ha, để di dời các hộ còn lại sang định cư. Kinh phí san lấp và đầu tư hạ tầng dự kiến khoảng 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, địa phương chưa có vốn nên việc san lấp chưa tiến hành.

Trước tình hình trên, UBND huyện Châu Thành đã có Văn bản số 1179/UBND-TH, ngày 19-9-2018 đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, kiến nghị Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn bố trí ổn định dân cư vùng sạt lở để thực hiện công trình trên.

“Thời gian qua, đơn vị phòng, chống lụt bão Trung ương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuống 2 cù lao khảo sát thực tế nhưng đến nay chưa ghi vốn. Theo đó, UBND huyện Châu Thành kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu để huyện thực hiện công tác di dân 2 cù lao trên” - Phó Chủ tịch UBND huyện - Võ Thanh Hồng thông tin thêm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết