Tiếng Việt | English

24/10/2018 - 19:40

Còn nhiều trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN) do Quốc hội ban hành ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ ngày 01/7/2008. Từ đó đến nay, có nhiều văn bản hướng dẫn bổ sung cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Để bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - Bác sĩ (BS).CKII. Huỳnh Hữu Dũng về Luật PCBTN.

Có 6 bệnh truyền nhiễm nhóm B phải được cách ly y tế, trong đó có bệnh tay - chân - miệng

Có 6 bệnh truyền nhiễm nhóm B phải được cách ly y tế, trong đó có bệnh tay - chân - miệng

PV: Ông có thể giải thích ý nghĩa một số thuật ngữ thường gặp trong Luật PCBTN?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Có nhiều thuật ngữ liên quan đến việc PCBTN. Ở đây, tôi chỉ nêu một vài thuật ngữ thông dụng mà người dân thường gặp.

BTN là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây BTN.

Tác nhân gây BTN là vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây BTN.

Trung gian truyền bệnh là côn trùng, động vật, môi trường, thực phẩm và các vật khác mang tác nhân gây BTN và có khả năng truyền bệnh.

Người mắc BTN là người bị nhiễm tác nhân gây BTN có biểu hiện triệu chứng bệnh.

Người mang mầm BTN là người mang tác nhân gây BTN nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.

Người tiếp xúc là người có tiếp xúc với người mắc BTN, người mang mầm BTN, trung gian truyền bệnh và có khả năng mắc bệnh.

Người bị nghi ngờ mắc BTN là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng BTN nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Dịch là sự xuất hiện BTN với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.

Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc BTN, người bị nghi ngờ mắc BTN, người mang mầm BTN hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây BTN nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

PV: BTN được phân loại như thế nào, thưa ông?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: BTN được phân thành 3 nhóm.

Nhóm A: Gồm các BTN đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bao gồm bệnh bại liệt, cúm A(H5N1), dịch hạch, bệnh đậu mùa, bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola, Lassa hoặc Marburg, bệnh sốt Tây sông Nile, bệnh sốt vàng, bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi-rút, cúm A(H7N9).

Nhóm B: Gồm các BTN nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Nhóm này có nhiều bệnh mà chúng ta thường dễ mắc: Bệnh do vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue; bệnh sốt rét; bệnh do vi-rút Zika, bệnh cúm; bệnh dại; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt phát ban; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh viêm gan vi-rút; bệnh viêm não vi-rút; bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota,...

Đặc biệt, có 6 BTN nhóm B phải được cách ly y tế gồm: Bạch hầu, ho gà, sởi, than, bệnh do não mô cầu, tay - chân - miệng.

Nhóm C: Gồm các BTN ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Một số bệnh thường thấy như bệnh do Chlamydia; bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Candida albicans; bệnh phong; bệnh do vi-rút Herpes; bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Hanta; bệnh do Trichomonas; bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng,...

PV: Việc PCBTN dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Điều 4 của Luật PCBTN quy định nguyên tắc PCBTN. Một là, lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát BTN là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong PCBTN. Hai là, thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong PCBTN; Lồng ghép các hoạt động PCBTN vào các chương trình phát triển KT-XH. Ba là, công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Bốn là, chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

PV: Thưa ông, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong PCBTN?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Theo Điều 7 của luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về PCBTN; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo chống dịch.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCBTN; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về PCBTN.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia PCBTN theo quy định của luật.

PV: Theo luật, những hành vi nào bị nghiêm cấm, thưa ông?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 của luật bao gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây BTN. Người mắc BTN, người bị nghi ngờ mắc BTN và người mang mầm BTN làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây BTN theo quy định của pháp luật. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc BTN theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về BTN.

Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc BTN. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp PCBTN theo quy định của luật. Không chấp hành các biện pháp PCBTN theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

PV: Thưa ông, những ai phải dùng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc để phòng, chống một số BTN?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Điều 29 của luật nêu rõ, người có nguy cơ mắc BTN tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các BTN thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Miễn phí sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp người có nguy cơ mắc BTN tại vùng có dịch; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch; các đối tượng quy định tại khoản 2, điều này.

PV: Luật PCBTN quy định rất rõ những hành vi nào cần làm và không được làm. Vậy nếu có tổ chức, cá nhân không tuân thủ thì có chịu sự chế tài, thưa ông?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Để xử lý những hành vi vi phạm Luật PCBTN, chúng ta căn cứ vào Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

PV: Thời gian qua, có tình trạng người dân không hợp tác trong việc PCBTN như là không cho xịt thuốc diệt muỗi, buôn bán động vật mắc bệnh,... Những hành vi này có thể xử lý được không, thưa ông?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Trên thực tế, do vô tình hay cố ý, hiện vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm Luật PCBTN. Có thể kể ra một số hành vi thường gặp:

Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc BTN đã được công bố là có dịch.

Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch như trường hợp một số nhà từ chối không cho đoàn y tế phun thuốc diệt muỗi.

Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh như mang bán heo, gà, vịt mắc bệnh,...

Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch.

Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh.

Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

PV: Theo Nghị định 76 thì nếu vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông trong PCBTN sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

BS. Huỳnh Hữu Dũng: Điều 5 của Nghị định 76 quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không tổ chức định kỳ hàng năm việc truyền thông về PCBTN cho người lao động theo một trong các mức sau đây: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 25 triệu đồng tùy theo cơ sở có sử dụng lao động từ dưới 50 người đến dưới 2.500 người.

Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch BTN so với số liệu, tình hình dịch BTN mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố.

Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về PCBTN để kích động, gây phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người mắc BTN trực tiếp làm những việc có nguy cơ gây lây lan BTN cho người khác hoặc ra cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông về những thông tin bổ ích vừa chia sẻ!

Thanh Bình(thực hiện)

Chia sẻ bài viết