Tiếng Việt | English

15/08/2017 - 17:22

Xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ

Còn vướng mắc trong khâu phối hợp

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Long An, việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa cơ quan chức năng của ngành GTVT với UBND cấp huyện trong việc xử lý vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đến nay, vẫn gặp một số vướng mắc cần sớm được giải quyết, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cấp huyện trong việc xử lý vi phạm.


Phòng Kinh tế - Hạ tầng Thạnh Hóa phối hợp Thanh tra Giao thông Vận tải xử lý vi phạm trên tuyến Quốc lộ N2

Theo đó, khi Thanh tra GTVT phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Công an cấp huyện thực hiện giải tỏa chợ tự phát, lập biên bản hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, xây dựng công trình vi phạm,...; sau đó, đoàn liên ngành bàn giao biên bản vi phạm để UBND cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp quá thời hạn nhưng vẫn chưa có quyết định xử phạt hoặc có trường hợp ra quyết định xử phạt nhưng đối tượng không chấp hành.

Cụ thể: Tại huyện Tân Hưng, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sang xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) Đường tỉnh 819 (Km24+350), đoàn lập biên bản từ ngày 31/12/2016 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Huyện Tân Thạnh ra 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chỉ thực hiện 2 quyết định. Huyện Mộc Hóa ban hành 16 quyết định xử phạt chỉ thực hiện 4 quyết định. Thị xã Kiến Tường ban hành 8 quyết định xử phạt nhưng quá thời hạn 3 trường hợp, chỉ có 2 trường hợp thực hiện quyết định,...

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, một bộ phận người dân vẫn cho rằng, đất trong phạm vi HLATĐB thuộc quyền sử dụng của họ nên khi có nhu cầu thì họ cứ xây!? Một số trường hợp vận động người dân hiến đất làm đường nhưng sau đó không điều chỉnh diện tích hiến trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người hiến đất, do đó, rất khó cho cơ quan chức năng khi xử lý trường hợp vi phạm.

Tại các chợ tự phát ven khu, cụm công nghiệp, các đối tượng đa phần là người từ các địa phương khác đến sử dụng xe thô sơ buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở giao thông, gây ra các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn giao thông. Khi lực lượng chức năng đến thì họ di chuyển đi nơi khác, khi lực lượng chức năng đi thì họ quay lại buôn bán tiếp nên rất khó xử lý.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn: Để lập lại trật tự HLATĐB, rất cần sự phối hợp chặt chẽ; vào cuộc quyết liệt, kiên trì, thường xuyên của các địa phương. Bên cạnh đó, tại các khu, cụm công nghiệp cần quy hoạch chợ phù hợp nhằm hạn chế tình trạng tự do buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, không bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như hiện nay./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết