Tiếng Việt | English

20/04/2018 - 15:42

Công bố ba phim tư liệu quý hiếm về chiến tranh Việt Nam

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã lựa chọn và mua bản sao, bản quyền sử dụng 3 bộ phim tư liệu: “Việt Nam,” “Hòa bình cho Việt Nam” và “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình.”

Cuộc nói chuyện chính giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ về hòa bình ở Việt Nam tại Phòng họp Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Paris ngày 13/5/1968.(Đoàn Việt Nam ngồi phía bên phải). (Ảnh Tư liệu/TTXVN)

Ngày 20/4, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Lễ công bố, giới thiệu một số bộ phim sưu tầm ở nước ngoài theo Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam.”

Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiếp tục lựa chọn và mua bản sao, bản quyền sử dụng 3 bộ phim tư liệu: “Việt Nam,” “Hòa bình cho Việt Nam” và “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình” (bản gốc bảo quản tại Viện Phim quốc gia Pháp).

Đây là 3 bộ phim tư liệu đề cập đến các tình tiết, những phiên tranh biện để dẫn tới đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bộ phim “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình” còn tái hiện bối cảnh của Việt Nam từ những năm 1900 đến khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973). Trong phim có rất nhiều cảnh quay, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; những nhân vật chủ chốt tham gia đàm phán như bà Nguyễn Thị Bình, ông Xuân Thủy, Tướng Navarre, Henry Kissinger,… chưa từng được công bố ở Việt Nam.

Việc mua lại bản quyền 3 phim tài liệu nhằm bổ sung tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo tồn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ - một bộ phận di sản quý giá của dân tộc. Những hình ảnh lần đầu tiên được công bố, qua những góc máy, cái nhìn rất riêng của các nhà làm phim Pháp sẽ là những tư liệu lịch sử chân thực, sống động, giúp công chúng hiểu về nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho biết, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện hậu kỳ, lồng tiếng việt cho 3 bộ phim trên và sẽ được phát sóng trên một số đài truyền hình./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết