Tiếng Việt | English

04/09/2017 - 11:10

Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức

Hàng hóa và chất lượng hàng hóa là thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp (DN) Việt gặp phải trước sức ép cạnh tranh trong Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) cũng như các tổ chức thương mại thế giới. Chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực sản xuất, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu,... là những giải pháp mà các DN trong tỉnh đang thực hiện.

Cơ hội lớn

Tiến sĩ Phạm Văn Chắt (báo cáo viên Bộ Công Thương về Hội nhập kinh tế quốc tế) cho rằng: “AEC tạo ra rất nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam. Nền kinh tế AEC là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới nên Việt Nam có nhiều cơ hội trong mọi lĩnh vực khi hình thành AEC, trong đó, có dịch vụ, xây dựng hay du lịch,... Trước cơ hội này, DN cần nghiên cứu cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm, xa hơn là mở rộng sự có mặt của mình trong AEC”.

Công ty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An vừa tích cực tham gia sản xuất, vừa nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị công nghệ mới

Là DN đi tiên phong, đóng góp hiệu quả vào ngành năng lượng mặt trời, Công ty (Cty) TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) vừa tích cực tham gia sản xuất, vừa nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An - Diệp Bảo Cánh thông tin: “Có khoảng 30% sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời do Cty sản xuất được tiêu thụ trong nước, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi chưa có điện lưới quốc gia. 70% sản phẩm được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Pháp và khu vực Asean. Hiện, sản phẩm pin được tiêu thụ rất mạnh và gần như không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng ở nước ngoài”.

Tuy lượng khách hàng nhiều nhưng Cty cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt của các đơn vị có cùng ngành nghề ở nước khác.

Vì vậy, Cty chọn giải pháp lần lượt thay thế những thiết bị lạc hậu, từng bước đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tháng 6/2017, Cty mạnh dạn đầu tư máy hàn pin tự động để thay thế cho việc hàn bán thủ công trước đây. Ưu điểm của máy hàn pin tự động này giúp năng suất tăng gấp đôi so với hàn thủ công. Nếu hàn thủ công cần 13 giây/tấm, máy hàn tự động chỉ cần 6 giây/tấm và có thể hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Cũng nhờ chú trọng thay đổi trang thiết bị sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian gần đây, Cty TNHH Sản xuất Thương mại Bảo Bảo (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) giữ được lòng tin với khách hàng truyền thống và được nhiều khách hàng mới từ các nước: Nhật Bản, Thụy Điển,... tìm đến đặt hàng trực tiếp. Sản phẩm chính của Bảo Bảo là các mặt hàng cơ khí dùng cho nhiều chuyên ngành: Xây dựng, mỹ nghệ, đồ gỗ,...

Tại các cuộc bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, Tiến sĩ Phạm Văn Chắt nhắn gửi đến cộng đồng DN: “Để có thể tham gia vào AEC, các tổ chức thương mại thế giới hay chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), DN vừa và nhỏ cần liên kết với nhau thành DN lớn để tạo được quy trình sản xuất nhằm đạt các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, tạo chuỗi sản xuất lớn mới có thể nhận những đơn hàng giá trị cao. Nếu không, DN sẽ “thua trận” ngay ở thị trường trong nước và khó có thể ra “biển lớn””.

Thách thức không nhỏ

Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức cho rằng, khi Việt Nam tham gia AEC, các tổ chức thương mại thế giới hay TPP, DN nhỏ và vừa trong tỉnh sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, bởi quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm.

Hiện, vẫn còn không ít DN chưa thực sự quan tâm đến AEC, TPP để tận dụng cơ hội mà chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm. Họ cũng chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu thị trường, đặc biệt là sự thay đổi lớn của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Do đó, để tồn tại và phát triển, DN cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH San Hà

Khi gia nhập AEC, bên cạnh nhiều cơ hội, DN vừa và nhỏ sẽ rơi vào tình cảnh mất thị trường nội địa, nhất là DN kinh doanh trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Dự báo trước những tình huống này, Cty TNHH San Hà (chuyên về giết mổ gia cầm tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) vừa đầu tư dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại có công nghệ từ nước ngoài với số vốn trên 90 tỉ đồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, để sản phẩm đạt chất lượng VietGAP, Cty còn liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong, ngoài tỉnh thông qua việc cung cấp con giống, quy trình chăn nuôi, thức ăn,... và bao tiêu sản phẩm.

Theo Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà: “DN nắm rất rõ những thách thức khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại thế giới nên có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN chuyên về nông nghiệp cũng được tăng cường. Nếu DN có cơ hội tiếp cận những chính sách này để đầu tư trang thiết bị, chuỗi sản phẩm sẽ tạo ra sản phẩm giá rẻ, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nước bạn”.

Ông Lê Minh Đức thông tin thêm, trong xu thế hội nhập, nền kinh tế Việt Nam từng bước chuyển mình theo hướng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để hội nhập với thế giới. Điều này có nghĩa, DN Việt sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, đầu tư sản xuất và kinh doanh, xuất, nhập khẩu do thị trường thế giới mở rộng.

Đi cùng với đó là những chủ trương thông thoáng của Chính phủ và UBND tỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Công Thương còn có nhiều chương trình hỗ trợ DN như xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đẩy mạnh chương trình khuyến công giúp DN đổi mới trang thiết bị sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này giúp các DN trong tỉnh nâng cao sức cạnh tranh, nỗ lực vươn lên cùng DN khác trong nước vươn ra “biển lớn”./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết