Tiếng Việt | English

30/05/2020 - 18:50

Cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang

Nhiều đại biểu mong muốn thúc đẩy thảo luận tại các cơ chế của LHQ về vấn đề bảo vệ môi trường trong xung đột do sự liên hệ chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường, bảo vệ thường dân và mục tiêu phát triển.

Các cuộc xung đột vũ trang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường. (Ảnh: Getty)

Các cuộc xung đột vũ trang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường. (Ảnh: Getty)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ Tuần lễ của Liên hợp quốc về Bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang năm 2020, ngày 29/5, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cùng với Phái đoàn Thụy Sỹ, Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức PAX tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến mang tên “Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ dân thường”. 

Tham dự cuộc thảo luận có 90 đại diện của các nước thành viên Liên hợp quốc và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các tổ chức về nhân đạo và bảo vệ môi trường.

Trưởng Phái đoàn Thụy Sỹ tại Liên hợp quốc Jurg Lauber cho rằng mối quan hệ giữa môi trường và xung đột vũ trang đã được thừa nhận rộng rãi, bởi tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguyên nhân gốc rễ làm nảy sinh xung đột; môi trường đất, nước, hệ sinh thái bị tàn phá trong xung đột tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế, sức khỏe của người dân. 

Trong khi đó, chuyên gia pháp lý Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế, bà Vanessa Murphy lưu ý rằng luật nhân đạo quốc tế quy định cấm sử dụng môi trường làm phương thức chiến tranh dẫn đến hủy hoại môi trường lâu dài, nghiêm trọng và trên diện rộng. Do đó, việc hạn chế tác động của xung đột vũ trang đối với các công trình, hạ tầng có ý nghĩa thiết yếu với sự sống còn của người dân. 

Chuyên gia về giải trừ quân bị của tổ chức PAX, ông Wim Zwijnenburg nêu dẫn chứng tại Iraq, nhiều giếng dầu bị các lực lượng tham chiến đốt cháy gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, các nhà máy nước bị ném bom gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Ông Zwijnenburg nhấn mạnh cần, các nước tăng cường thu thập thông tin thông qua sử dụng công nghệ, các nguồn thông tin mở, qua khảo sát, đánh giá thực địa nhằm đánh giá nguy cơ về sức khỏe liên quan đến môi trường, từ đó xây dựng chính sách nhân đạo và phục hồi môi trường sau xung đột. 

Chuyên gia chính sách của UNEP/OCHA, bà Emilia Wahlstrom đề nghị người dân và các cộng đồng bị ảnh hưởng được tiếp cận thông tin liên quan đến những vấn đề môi trường trong xung đột; tăng cường trao đổi thông tin giữa các quốc gia và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan của Liên hợp quốc, đưa vấn đề bảo vệ môi trường trong xung đột thành chủ đề xuyên suốt tại Liên hợp quốc

Nhiều đại biểu mong muốn thúc đẩy thảo luận tại các cơ chế của Liên hợp quốc về vấn đề bảo vệ môi trường trong xung đột do có sự liên hệ chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường, bảo vệ thường dân và mục tiêu phát triển.

Các đại biểu cũng nhận định, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra nhiều tác động về y tế, sức khỏe, làm suy giảm nguồn lực của quốc gia trong ứng phó các vấn đề môi trường, song cũng tạo cơ hội để cá nhàc lãnh đạo đánh giá lại và dành quan tâm nhiều hơn cho những vấn đề liên quan an ninh, hòa bình truyền thống cũng như phi truyền thống. 

Phát biểu bế mạc cuộc thảo luận, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định việc bảo vệ môi trường trong xung đột là yêu cầu sống còn và là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.

Các bên xung đột, đặc biệt là các chủ thể phi nhà nước có trách nhiệm tuân thủ tuyệt đối luật nhân đạo; ủng hộ tiếp tục xem xét chủ đề này do bối cảnh tác chiến trong đô thị, sự tham gia của các chủ thể phi nhà nước đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường, các cơ sở hạ tầng về nước, lương thực.

Đại sứ nhấn mạnh, trong giai đoạn sau xung đột, các nước cần dành quan tâm cho phục hồi môi trường bị tàn phá, qua đó giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, duy trì hòa bình bền vững.

Đại sứ Đặng Đình Quý đề cập đến viêc chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường ở Việt Nam; hiện có tới 3 triệu người Việt là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn hecta đất bị nhiễm độc.

Việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin cần nhiều nguồn lực và thời gian. Mặc dù vậy, Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong công tác tẩy độc chất dioxin và trợ giúp các nạn nhân. 

Tuần lễ Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang diễn ra trong thời gian 27/5 - 1/6/2020 là sự kiện thường niên do Nhóm bạn bè về Bảo vệ dân thường khởi xướng, diễn ra bên lề Thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ dân thường.

Ngoài chủ đề bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, tuần lễ năm nay còn gồm các phiên thảo luận về vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bảo vệ người khuyết tật, và tác động của đại dịch COVID-19 đến công tác bảo vệ dân thường./. 

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Medium)

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Medium)

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết