Tiếng Việt | English

15/10/2017 - 16:26

Kỷ niệm 87 năm Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2017)

Công tác dân vận - Cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chính từ vai trò quan trọng của công tác dân vận, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm “Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng” và là “Ngày Dân vận của cả nước”.

Cầu nối giữa Đảng với nhân dân

Từ khi thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ hàng đầu thể hiện quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, tuy công tác dân vận có nội dung khác nhau nhưng tựu trung lại đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận, vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tạo nên khối đại đoàn kết trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đưa tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Đỗ Thanh Hùng, từ đầu năm đến nay, Ban Dân vận các cấp trong tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy, ban hành nhiều chủ trương và đề xuất những giải pháp lãnh đạo về công tác dân vận. Qua đó, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với công tác vận động quần chúng. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các ngành, các cấp phát động tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Từ cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tổ chức Mặt trận Tổ quốc làm cầu nối vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ hơn 123.400 phần quà, trị giá hơn 39 tỉ đồng cho người dân nghèo trong toàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2017. Riêng đối với các hộ dân khó khăn, chịu ảnh hưởng từ đợt xâm nhập mặn tại 2 huyện Tân Trụ và Thủ Thừa, Mặt trận Tổ quốc địa phương vận động trao tặng hơn 50 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và hỗ trợ 500 triệu đồng cho người dân bị thiệt hại nặng.

Liên đoàn Lao động tỉnh hàng năm đều vận động các doanh nghiệp tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, bố trí xe và tặng vé xe miễn phí cho người lao động về quê đón tết với giá trị hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp trở thành hạt nhân trong việc huy động sức mạnh, nguồn lực trong dân cùng chính quyền thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Thông qua công tác dân vận góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Từ việc phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác dân vận, góp phần cùng các địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Tại huyện Tân Hưng, thời gian qua, các mô hình dân vận khéo được các cấp, các địa phương trong huyện đồng loạt triển khai, tạo được hiệu quả tích cực. Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy - Trần Thị Đào, hiện các địa phương trong huyện đang triển khai nhiều mô hình dân vận khéo điển hình, trong đó có mô hình “Sáng - xanh - sạch đẹp, an toàn giao thông” gắn với xây dựng NTM ở các địa phương; hiến đất làm đường của Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Bửu; “Xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội”, “Góp vốn xoay vòng” của Hội Cựu chiến binh xã Hưng Điền B; “Xây dựng mái ấm khăn quàng đỏ” của Đoàn Thanh niên xã Hưng Điền B; “Xây dựng hàng rào xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Vĩnh Thạnh;… Từ các mô hình dân vận khéo này góp phần không nhỏ cùng địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, và góp phần thiết thực trong thực hiện các tiêu chí xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới của mỗi địa phương trong huyện.

Cây cầu ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa được xây dựng từ kinh phí vận động của Tổ dân vận ấp 2, xã Mỹ Thạnh

Hay như mô hình hoạt động của tổ dân vận ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa - một trong những tổ dân vận được UBND tỉnh tặng bằng khen trong thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2010-2015. Dù chỉ có 11 thành viên nhưng tổ dân vận ấp 2, xã Mỹ Thạnh luôn hoạt động hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong ấp đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình giao thông của địa phương. Riêng trong 5 năm qua, tổ dân vận ấp 2 vận động người dân trong ấp đóng góp hơn 1 tỉ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn; hiến hơn 3.600m2 đất cùng tiền để mở rộng nền hạ và thi công đường Xóm Soài, vận động đóng góp gần 100 triệu đồng thực hiện mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự tại các tuyến đường trong ấp.

Theo Trưởng phòng Dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Bình, qua hơn 5 năm thực hiện công tác dân vận, toàn tỉnh có 2.712 mô hình, điển hình dân vận khéo. Trong đó, rất nhiều phong trào, mô hình do cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị phát động, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, trong việc thực hiện công tác dân vận thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền địa phương và quy chế dân chủ cơ sở trong hệ thống cơ quan nhà nước có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục bệnh hành chính, hình thức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuy có tập trung nhưng chuyển biến còn chậm;…

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng cần tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn bao giờ hết. Để thực hiện điều đó, trước hết cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhằm phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tiếp tục xây dựng và ban hành hệ thống chính sách cụ thể, phù hợp với quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, dân tộc và hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện tốt công tác dân vận. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phát huy vai trò nòng cốt của các Khối Dân vận, Tổ dân vận ở khu dân cư trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết