Tiếng Việt | English

25/07/2017 - 14:32

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”. Thực hiện theo lời Bác dạy, các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Điều đó được thể hiện qua những việc làm thiết thực: Chăm lo sức khỏe, nhà ở, dạy nghề cho các đối tượng chính sách và thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ,...

Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Hiện nay, Long An có 124.081 người có công với cách mạng, trong đó có 4.926 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 259 mẹ), 68 Anh hùng lực lượng vũ trang, 30.292 liệt sĩ, 11.050 thương binh, 1.839 bệnh binh,... Hầu hết, những người có công với cách mạng và thân nhân gia đình người có công đều được chi trả các chế độ, chính sách kịp thời, đúng quy định. Ngoài ra, các cấp, các ngành trong tỉnh còn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Chủ tịch UBND tỉnh -Trần Văn Cần (thứ 3 từ trái sang) thăm, tặng quà gia đình chính sách

Hàng năm, tỉnh vận động các cấp, các ngành, mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 10 tỉ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công. Đồng thời, tỉnh còn xuất ngân sách khoảng 10 tỉ đồng thăm, tặng quà gia đình có công với cách mạng nhân các dịp lễ, tết. Riêng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), tỉnh tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng với số tiền gần 9 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 7 tỉ đồng, ngân sách địa phương gần 1,9 tỉ đồng.

Con trai Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sao, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Mẹ Sao sinh 8 người con, trong đó, 3 người tham gia cách mạng là anh Đoàn Văn Điển, chị Đoàn Thị Kim Anh và anh Đoàn Văn Tó. Trong 3 người tham gia cách mạng thì 2 người hy sinh, còn 1 người là thương binh. Hiện nay, sức khỏe mẹ Sao rất yếu. Tuy nhiên, sự quan tâm của các cấp, các ngành chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để mẹ vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật để sống vui, sống khỏe cùng con, cháu”.

Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Được biết, 6 tháng đầu năm 2017, huyện Cần Giuộc vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 1 tỉ đồng; vận động xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn bình quân 40 triệu đồng. Ông Nguyễn Tấn Măng (thương binh 4/4, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) - một trong những người được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, căn nhà cũ hư hỏng nhiều. Vừa qua, xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình tôi xây mới căn nhà với số tiền 45 triệu đồng. Có được căn nhà khang trang, tôi rất vui và cảm ơn sự giúp đỡ của thế hệ hôm nay với những người từng tham gia cách mạng”.

Nhiều hoạt động  “Đền ơn đáp nghĩa”

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó, hàng năm, ngày 27/7 trở thành “Ngày Thương binh toàn quốc”. Từ năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi tên thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.

Cứ như thông lệ, tháng 7 được xem là tháng cao điểm để cả nước nói chung và Long An nói riêng thực hiện nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, không chỉ tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta mà còn khẳng định công lao đóng góp của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. So với những năm trước, năm 2017 được tỉnh tổ chức long trọng hơn với những việc làm cụ thể, thiết thực: Tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức văn nghệ quần chúng trong phạm vi toàn tỉnh với chủ đề “Màu hoa đỏ”; phát động phong trào ủng hộ xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa; tổ chức lễ truy điệu hài cốt quân tình nguyện Việt Nam,... Đến thời điểm này, hầu hết hoạt động trên được hoàn thành.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tân Thạnh - Võ Văn Tiến cho biết: “Ngày 24/7, huyện tổ chức họp mặt các gia đình chính sách, người có công với cách mạng với 200 đại biểu dự (người có công và gia đình liệt sĩ tiêu biểu; Mẹ Việt Nam Anh hùng; thân nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,...). Buổi họp mặt diễn ra trong không khí đầm ấm, nghĩa tình. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, huyện còn được tỉnh phân bổ kinh phí 1 tỉ đồng để trùng tu và sửa chữa Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa; hỗ trợ xây dựng 3 nhà bia ghi tên liệt sĩ các xã: Kiến Bình, Nhơn Ninh, Bắc Hòa với tổng kinh phí 600 triệu đồng (mỗi nhà bia được hỗ trợ 200 triệu đồng)”.

Tiết mục văn nghệ trong Chương trình “Màu hoa đỏ” được tổ chức tại huyện Tân Thạnh. Ảnh: Xuân ThịnhĐặc biệt hôm nay (25/7), tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu với trên 500 đại biểu dự. Trong buổi lễ này, tỉnh biểu dương 120 người có công tiêu biểu, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”,... Buổi lễ còn là dịp để các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ôn lại truyền thống hào hùng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Qua đó, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người có công với cách mạng, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Bạch Huệ chia sẻ: “Công tác chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành. Nhìn chung, mức sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đều cao hơn hoặc bằng mức sống người dân nơi cư trú. Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, ngành LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách khác liên quan. Đặc biệt, ngành luôn quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho thân nhân các gia đình người có công với nước”.

Việc chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là việc làm của toàn xã hội. Và xã hội sẽ càng tốt đẹp hơn với những việc làm ý nghĩa đó, nhất là góp phần để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết