Tiếng Việt | English

22/10/2018 - 09:24

Công ty TNHH Một thành viên Đồng Tháp 1: Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất

Qua thanh tra cho thấy, Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Đồng Tháp I vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất. Cụ thể, đất giao khoán cho nhiều hộ dân sản xuất không đúng đối tượng, nhiều hộ dân nợ tiền giao khoán, có những hộ tự ý thay đổi hiện trạng đất được giao từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá, trồng sen, xây dựng nhà ở,...

Một góc cánh đồng ở xã Hưng Điền nằm trong diện tích đất giao khoán

Một góc cánh đồng ở xã Hưng Điền nằm trong diện tích đất giao khoán

Giao khoán cho 461 hộ dân

Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I, tiền thân là Đoàn Xây dựng kinh tế Đồng Tháp I được UBND tỉnh Long An thành lập ngày 05/8/1983 với chức năng, nhiệm vụ là khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, nhằm thực hiện công cuộc khai hoang lấp kín Đồng Tháp Mười và thực hiện công tác điều động lao động dân cư theo nghị quyết của Tỉnh ủy. Năm 1994, Đoàn Xây dựng kinh tế Đồng Tháp I chuyển đổi thành Công ty Dịch vụ Sản xuất Nông lâm nghiệp Đồng Tháp I. Do yêu cầu sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo đề án được Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1136/QĐ-UBND, ngày 12/4/2006 về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Dịch vụ Sản xuất Nông lâm nghiệp Đồng Tháp I thành Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I trực thuộc UBND tỉnh quản lý. Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 04/5/2016 và thay đổi lần 1 ngày 26/12/2016, với quy hoạch sản xuất giống lúa ứng dụng công nghệ cao.

Theo Chánh Thanh tra tỉnh - Phan Hữu Hạnh, tháng 9/2018, Thanh tra tỉnh đã có kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất tại Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I.

Theo đó, tổng diện tích đất của Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I được giao quản lý theo Quyết định số 1169/QĐ-UBND, ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh (khu vực Láng Biển) tại xã Hưng Điền là 8.557.440,2m2. Trong đó, đất lúa 7.821.407,2m2, công ty đã giao khoán ổn định cho 461 hộ dân với diện tích 7.483.522m2 (chênh lệch 337.885,2m2 là do trong quá trình sản xuất, diện tích đất khoán lấn bào); đất mặt nước 55.889m2 và đất giao thông thủy lợi 689.144m2.

Theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 566/QĐ-UBND, ngày 26/02/2006 thì mức thu khoán đất loại 1 là 750kg lúa/ha/năm, gồm thủy lợi phí 40kg, quỹ phát triển 240kg, quỹ phúc lợi 70kg và phí quản lý 400kg; đất loại 2 là 700kg lúa/ha/năm gồm thủy lợi phí 40kg, quỹ phát triển 220kg, quỹ phúc lợi 60kg và phí quản lý 380kg, với số tiền bình quân/ha/năm là 3.262.000 đồng (mức khoán này chưa tính phần thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong trường hợp Nhà nước quy định phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp thì thuế sẽ được cộng thêm vào mức khoán).

Khi triển khai thực hiện, Cty chủ trương không thu phần thủy lợi phí, quỹ phúc lợi và quỹ phát triển mà chỉ thu phần phí quản lý 400kg lúa/ha/năm đối với đất loại 1 và 380kg lúa/ha/năm đối với đất loại 2 (Quyết định số 79/QĐĐTI, ngày 15/10/2007), với số tiền bình quân/ha/năm là 1.755.000 đồng, thấp hơn so với mức khoán bình quân mà UBND tỉnh phê duyệt. Mục đích của Cty là muốn giảm gánh nặng chi phí cho người dân. Bởi vì từ trước đến nay, Cty thực hiện giao khoán ổn định cho người dân nên việc triển khai ký lại hợp đồng giao khoán theo phương án mới thì phải tính đến lợi ích hài hòa giữa các bên và phải có sự thống nhất cao trong tập thể người dân nhận khoán.

Giao khoán sai nhiều trường hợp

Theo kết luận thanh tra đối với Cty, do Chánh Thanh tra tỉnh - Phan Hữu Hạnh ký trình UBND tỉnh nêu rõ: “Thời gian qua, Cty TNHH MTV Đồng Tháp I có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xây dựng cơ bản, kiến thiết ruộng đồng, góp phần giữ gìn trật tự, an ninh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, Cty quản lý đất được giao còn hạn chế khi để hộ dân chưa ký hợp đồng giao khoán, nợ tiền giao khoán, nhiều hộ dân tự ý thay đổi hiện trạng đất, thực hiện việc giao khoán không đúng đối tượng, chưa thực hiện việc nộp tiền thuê đất”.

Cụ thể, Cty TNHH MTV Đồng Tháp I thực hiện việc giao khoán cho 253 trường hợp không đúng đối tượng (địa chỉ thường trú các hộ nhận khoán thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang không thuộc địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Như vậy là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và điểm 2.3 khoản 2, Điều 1, Phần I Thông tư số 102/2006/TT-BNN, ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP.

Còn 28 hộ dân không ký hợp đồng nhận khoán mới với diện tích 63,75ha và nợ từ năm 2007 đến nay với số tiền hơn 1,358 tỉ đồng, vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 4 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP. Đồng thời, còn 163 hộ dân nợ tiền giao khoán với tổng số tiền hơn 3,2 tỉ đồng. Cty chưa thực hiện việc nộp tiền thuê đất theo Thông báo số 743/TB-CT, ngày 21/3/2018, số tiền thuê đất phải nộp từ ngày 01/7/2014 đến ngày 31/12/2018 hơn 4,8 tỉ đồng nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vi phạm khoản 3, Điều 170 Luật Đất đai 2013.

Bên cạnh đó, Cty để 31 hộ dân tự ý thay đổi hiện trạng đất từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá, trồng sen với diện tích hơn 45ha và 4 hộ dân xây nhà kiên cố trong phạm vi đất giao khoán mà chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, quy định “Chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý và sử dụng đất, rừng đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch”.

Chánh Thanh tra tỉnh đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Cty và các sở, ngành, UBND huyện Tân Hưng phối hợp xử lý những hạn chế, tồn tại trên./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích