Tiếng Việt | English

27/10/2018 - 14:53

Công viên Lý Sơn: “Bảo tàng” địa chất sống động, độc đáo, hiếm có

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, công viên địa chất Lý Sơn là khu vực có giá trị địa chất, địa mạo kỳ thú, văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học hấp dẫn.

Công viên địa chất Lý Sơn. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

UNESCO và Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đang hỗ trợ sự phát triển các công viên địa chất trên toàn thế giới.

Quảng Ngãi bước đầu đã tiến hành xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu.

Công viên địa chất Lý Sơn thành lập theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, có tổng diện tích trên 100km2; với dân số 70 ngàn người bao gồm đảo Lý Sơn và vùng phụ cận ven bờ thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải (huyện Bình Sơn).

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đây là khu vực có giá trị địa chất, địa mạo kỳ thú, văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học hấp dẫn.

Về địa chất, cụm núi lửa biển Lý Sơn-Bình Châu và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau trong giai đoạn Kỷ đệ Tứ, cách ngày nay khoảng 11 triệu đến 4.500 năm.

Chứng tích điển hình của quá trình hoạt động kiến tạo là nhiều miệng núi lửa hiện diện trên đảo Lý Sơn. Hoạt động phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo, tiêu biểu là vách đá hang Câu, cổng Tò Vò, miệng Giếng Tiền, miệng Thới Lới - những điểm địa chất có ý nghĩa khoa học và giá trị du lịch.

Quá trình kiến tạo còn tạo lớp đất bazan màu mỡ cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạn đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.

Về văn hóa, Công viên địa chất Lý Sơn là một khu vực có mật độ dày đặc, hòa quyện các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ các dòng chảy văn hóa khác nhau như Văn hóa thời đồ đá cũ và mới, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chămpa, Văn hóa Đại Việt, Văn hóa vùng núi, Văn hóa vùng đồng bằng - thung lũng, Văn hóa biển đảo. 

Tại đây, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, sự cộng cư của các dân tộc Việt, Cor, Hre, Cadong đã tạo nên những sắc màu văn hóa phong phú, đa dạng, giao thoa và tiếp biến lẫn nhau.

Bên cạnh nhiều đền chùa, miếu mạo, các lễ hội thuộc thời hiện đại của cư dân Đại Việt (điển hình là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa), Lý Sơn được biết đến với hai di chỉ khảo cổ nổi tiếng Xóm Ốc và Suối Chình, minh chứng cho sự tồn tại của cư dân Sa Huỳnh cách đây khoảng trên dưới 2.500 năm.

Chìm trong vùng biển Bình Châu, Lý Sơn là nghĩa địa tàu đắm với hàng chục con tàu lớn nhỏ trong đó chứa đựng nhiều loại hình hiện vật có niên đại từ 500 đến 1.000 năm, một bộ phận của con đường gốm sứ trên biển, phản ảnh quá trình giao thương của khu vực và đất nước.

Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản nhấn mạnh, Công viên địa chất Lý Sơn hoàn toàn có thể so sánh với các công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hay một số công trình miệng núi lửa của nước ngoài. 

Về các kiểu văn hóa cổ thì chúng ta hoàn toàn có thể so sánh với cả các công viên địa chất bên châu Âu ví dụ như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch nơi có những miệng núi lửa cổ rất đa dạng.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Các nhà khoa học Nhật Bản, Hàn Quốc hay New Zealand khi sang đây khảo sát đã tỏ ra khá ngỡ ngàng trước “sức hút” khó cưỡng của nó.

Về đa dạng sinh học, ngoài nhiều loài động thực vật quý hiếm trên khu vực đất liền được xếp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ của IUCN, vùng biển quanh đảo Lý Sơn có trên 700 loài động thực vật, bao gồm 200 loài cá, 137 loài rong biển, 70 loài thân mềm, 157 loài san hô, 96 loài giáp xác, 7 loài cỏ biển. a

Xung quanh đảo có các hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rong biển đa dạng về các chủng loài.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thống nhất mở rộng phạm vi lãnh thổ Công viên địa chất Lý Sơn theo khuyến nghị, đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm tăng tính đa dạng về địa chất và văn hóa của khu vực công viên.

“Việc mở rộng lãnh thổ công viên được triển khai bao hàm ba trục tuyến chính đại diện cho ba phức hệ sinh thái-văn hóa, phức hệ thung lũng miền núi (Quảng Ngãi-Trà Bồng), Phức hệ đồng bằng duyên hải (Quảng Ngãi-Sa Huỳnh) và Phức hệ biển đảo (Quảng Ngãi-Lý Sơn). 

Ý nghĩa chính được xây dựng theo chủ đề các giá trị địa chất, địa mạo của ba phức hệ được tổng hòa tích hợp thành phần 'thực' (phần xác) của công viên, còn văn hóa Sa Huỳnh là phần 'hồn' kết nối thành sự thống nhất trong đa dạng của toàn bộ lãnh thổ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu,” ông Trí cho biết thêm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết