Tiếng Việt | English

08/07/2020 - 17:20

COVID-19 đe dọa làm chậm tiến độ phá dỡ giàn khoan dầu không hoạt động

Giá dầu sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã buộc nhiều công ty khai thác "vàng đen" cắt giảm ngân sách chi tiêu.


Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã buộc nhiều công ty khai thác "vàng đen" cắt giảm ngân sách chi tiêu, qua đó đe dọa quỹ chi cho việc dỡ bỏ các giàn khoan dầu đã hết thời hạn hoạt động, bất chấp những nguy cơ về môi trường.

Bà Sonya Boodoo - chuyên gia phân tích thuộc công ty Rystad Energy - cho biết việc tháo dỡ các giàn khoan dầu không còn là "một trong những ưu tiên hàng đầu" của các tập đoàn dầu khí lớn như Total, Royal Dutch Shell và BP.

Thực tế, các doanh nghiệp này đang phải cắt giảm hoặc hoãn các khoản chi tiêu lên tới hàng tỷ USD khi doanh thu lao dốc.

Theo bà, kinh phí cho hoạt động tháo dỡ giàn khoan có thể giảm ít nhất 10% trong hai năm tới.

Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Hiệp hội Dầu mỏ và khí đốt của Anh ước tính các công ty khai khác dầu mỏ có kế hoạch đến năm 2027, mỗi năm chi 1,5 tỷ bảng Anh (1,9 tỷ USD) cho hoạt động tháo dỡ giàn khoan tại Biển Bắc. Nếu được giải ngân, đây sẽ là khoản chi lớn nhất trên thế giới cho hoạt động này.

Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm, nhà phân tích Romana Adamcikova cho biết rất nhiều giàn khoan dầu của Anh được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước và đến nay đã hoạt động được khoảng 50 năm. Có rất ít người nghĩ đến việc phá dỡ chúng khi không còn hoạt động. Ngoài ra, ảnh hưởng về môi trường do quá trình này gây ra cũng là vấn đề nan giải.

Dự kiến, trong thập kỷ tới, có khoảng có 1.630 giàn khoan dầu trong lãnh hải Anh cần phải phá dỡ, tương đương với tỷ lệ cứ 2 ngày có gần 1 giàn khoan phải được phá dỡ, đồng nghĩa với hơn 1,2 triệu tấn bêtông và cốt thép phải được di rời. Chi phí phục vụ công tác này là không hề nhỏ.

Từ năm 1998, Công ước Bảo vệ môi trường biển Đông Bắc Đại Tây Dương (OSPAR) nghiêm cấm việc các công ty bỏ mặc các giàn khoan đã hết thời hạn hoạt động.

Tuy nhiên, ngay cả khi các cấu trúc trên biển được tháo dỡ và di rời, các mảnh vụn trong quá trình vẫn tồn tại dưới đáy biển, đe dọa môi trường biển.

Chính vì lý do này, OSPAR cũng đã công bố quy trình xem xét các trường hợp ngoại lệ để có thể để lại một phần giàn khoan tại hiện trường./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết