Tiếng Việt | English

20/10/2017 - 09:12

Cú lao dốc của chứng khoán Mỹ năm 1987 khó có thể tái diễn

Công nghệ giao dịch hiện đại, những thay đổi trong cách thức hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán và cách quản lý các quỹ đầu tư khiến điều đó không thể xảy ra.

 

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ (Nguồn: AFP/TTXVN)


Tới phiên 19/10 là tròn 30 năm ngày thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc vào năm 1987. Trong phiên 18/10 vừa qua chứng khoán Mỹ vẫn ghi được các mức cao kỷ lục mới và các nhà đầu tư lo ngại điều này có nghĩa là một sự điều chỉnh diễn ra quá chậm, dù lợi nhuận doanh nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế mạnh.

Liệu "Ngày thứ Hai Đen" có tái diễn? Công nghệ giao dịch hiện đại, những thay đổi trong cách thức hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán và cách quản lý các quỹ đầu tư khiến điều đó không thể xảy ra. Tuy nhiên, những nhà đầu tư thận trọng không loại trừ khả năng đó.

Thứ Hai, ngày 19/10/1987, theo đà sụt giảm mạnh trên các thị trường châu Âu và châu Á phiên trước, chỉ số Dow Jones giảm 508 điểm, hay 22,6%, mức giảm trong ngày lớn chưa từng có tính theo tỷ lệ phần trăm của chỉ số chuẩn này. Theo người phụ trách chiến lược thị trường của Wunderlich Securities, Art Hogan, ngày nay, mức giảm 20% trong ngày là có thể, những theo một cách có trật tự hơn.

Phản ứng trước vụ lao dốc năm 1987, Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) đã yêu cầu thực hiện các cơ chế dừng giao dịch tạm thời trên toàn thị trường sau khi chỉ số Dow Jones giảm 10, 20 và 30%. Sau đó, chỉ một lần duy nhất dừng giao dịch trên toàn thị trường vào năm 1997.

Cơ chế dừng giao dịch được điều chỉnh vào năm 2012, với việc hạ ngưỡng quy định cho việc dừng giao dịch và chỉ số chuẩn Dow Jones được thay bằng chỉ số S&P 500. Theo các quy định hiện nay, nếu chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% trước 3 giờ 25 chiều theo giờ New York, giao dịch sẽ dừng 15 phút. Nếu chỉ số này tiếp tục giảm khi giao dịch được tiếp tục nhưng vẫn trước 3 giờ 25 chiều, thị trường sẽ dừng khi mức giảm lên đến 13%, còn nếu sau thời điểm này, giao dịch vẫn tiếp tục. Nếu mức giảm đến 20%, phiên giao dịch sẽ dừng bất kể vào thời điểm nào.

Nhiều biện pháp hiện nay nhằm kiểm soát những biến động của thị trường được thực hiện sau khi chỉ số Dow Jones lao dốc chớp nhoáng vào tháng 5/2010, giảm gần 1.000 điểm, khoảng 9%, trong ít phút, trước khi tăng trở lại sau đó.

SEC đã thông qua quy định "Hạn chế tăng, hạn chế giảm" vào năm 2012, để ngăn chặn việc thị trường vượt ra ngoài một biên độ cụ thể. SEC và các sàn giao dịch đã buộc phải điều chỉnh lại biên độ và các quy trình nối lại giao dịch với những cổ phiếu bị dừng giao dịch sau một phiên chao đảo vào tháng 8/2015. Sau đó, những lo ngại về tình hình nền kinh tế Trung Quốc đã gây làn sóng bán tháo, khiến chỉ số Dow Jones giảm kỷ lục. Trong phiên này, có trên 1.250 lần dừng giao dịch với 455 cổ phiếu cá nhân.

Các biện pháp an toàn đã được thực hiện có thể ngăn chặn một cú lao dốc kiểu như năm 1987, nhưng với chỉ số Dow Jones chạm ngưỡng 23.000 điểm lần đầu tiên trong phiên 18/10 và các giao dịch tự động với tốc độ cao, một số nhà giao dịch không quá chắc chắn về điều đó./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích