Tiếng Việt | English

28/08/2018 - 20:23

Cù lao Long Hựu còn nhiều khó khăn

Vùng đất Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An được bao bọc bởi bốn bề sông nước, đất nhiễm phèn, ngập mặn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Long Hựu Tây. Chính quyền địa phương đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, cải tạo các vùng đất nhiễm phèn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Long Hựu Tây có gần 400ha nuôi tôm mang lại thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, toàn xã còn khoảng 120ha đất trồng lúa ở các vùng cao thuộc ấp Hựu Lộc, ấp Tây, do thiếu nước tưới vào cuối vụ nên năng suất thấp. Ngoài ra, trên 100ha đất nhiễm phèn, thời gian qua, một số nông dân trồng thử nghịêm cây khóm, bước đầu cho thấy thích nghi tốt nhưng chưa thể nhân rộng.

Một góc đường quê Long Hựu Tây

Theo Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Út, việc nhân rộng diện tích cây khóm còn nhiều khó khăn vì chi phí cải tạo đất, lên liếp khá cao, nông dân không đủ điều kiện đầu tư. Hơn nữa, đầu ra của cây khóm chưa ổn định. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Huyện ủy về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Long Hựu Tây tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Ngoài thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch cho người dân cũng nan giải, nhất là vào mùa khô. Năm 2017, từ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, Công ty một thành viên Cầu Nổi đầu tư giếng nước ngầm và tuyến đường ống trên 6km để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ chưa có điều kiện kéo đường nước do chi phí cao. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, ngành chức năng huyện xúc tiến kéo ống nước từ Nhà máy nước xã Mỹ Lệ (theo chương trình cung cấp nước cho các xã vùng hạ của huyện) và xây dựng trạm trung chuyển để đưa nước về xã Long Hựu Tây, hòa cùng hệ thống cung cấp nước của các hộ tư nhân trên địa bàn. Nhờ chủ trương này và sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, chương trình nước sinh hoạt cho người dân hoàn thành mục tiêu đề ra. Còn chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng cao, địa phương chỉ có thể hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng giống lúa bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Để nâng cao đời sống người dân, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, mở các cơ sở gia công nhằm tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là giới thiệu lao động trẻ vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần từng bước nâng chất xã văn hóa, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết