Tiếng Việt | English

22/05/2017 - 12:13

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Cử tri Long An gửi đến Quốc hội nhiều kỳ vọng

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An tổ chức 15 cuộc tiếp xúc cử tri tại các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An với khoảng 2.200 cử tri dự, có trên 150 lượt ý kiến, kiến nghị, đóng góp của cử tri. Đoàn ĐBQH tiếp nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh chính trị, KT-XH của đất nước.

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tình hình an ninh chính trị, KT-XH của đất nước

Lĩnh vực nội vụ và công tác cán bộ:

- Đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, cử tri và nhân dân cho rằng, việc kỷ luật những cán bộ liên quan đến việc đưa Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang chưa đúng mức. Đề nghị tiếp tục làm rõ động cơ xem có tiêu cực không, để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố bị can và trốn ra nước ngoài. Cử tri đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có biện pháp nhằm bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh để xử lý nghiêm minh đúng quy định của pháp luật. Cử tri đề nghị cần điều tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc tạo điều kiện, giúp đỡ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài.

- Cử tri đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các tổ chức tôn giáo nhằm kịp thời ngăn chặn việc các tổ chức này lợi dụng tôn giáo hoạt động chính trị như tình hình ở tỉnh Nghệ An vừa qua.

- Hiện nay, việc triển khai tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ gặp nhiều khó khăn. Các địa phương kiểm tra, rà soát biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, lập hồ sơ các đối tượng tinh giản biên chế gửi lên Bộ Nội vụ giải quyết nhưng nhiều trường hợp không được chấp thuận. Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 6 có đối tượng tinh giản là “chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn”; tuy nhiên, khi thẩm định, phê duyệt danh sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ lại xét đối tượng này kèm theo điều kiện về kết quả đánh giá, phân loại trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn quy định tại điểm đ, e, khoản 1, Điều 6, trong khi đây là 2 đối tượng riêng. Bên cạnh đó, nhiều người không đủ điều kiện sức khỏe, tự nguyện xin nghỉ nhưng không được xét. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng tinh giản biên chế của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Cử tri cho rằng, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, tinh giản phải hợp lý, tránh tình trạng nơi nhiều việc cũng được bố trí số lượng biên chế như nơi ít việc, khiến nhiều cán bộ, công chức căng thẳng vì áp lực công việc quá lớn (đặc biệt ở một số ngành như y tế, giáo dục,...).

Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội:

- Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm quan tâm các trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ lực lượng thanh niên xung phong ở tỉnh Long An.

- Hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm tăng cao, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh có giải pháp tích cực hơn trong giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối tượng sinh viên.

- Đề nghị các bộ, ngành liên quan cần kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục, hồ sơ thực hiện chính sách; có sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan địa phương liên quan; giảm bớt một số thủ tục quy định phức tạp và bất cập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét xác nhận cho diện chính sách.

- Đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng là thương binh, người có công tham gia kháng chiến phù hợp với thực tế hiện nay; xem xét cho người tham gia cách mạng có huân, huy chương được hưởng trợ cấp như đối với người dân có huân, huy chương; người tham gia kháng chiến khi chưa đủ tuổi về hưu thì được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, ngày 08/11/2005; xem xét có chế độ điều dưỡng cho đối tượng hưu trí như chính sách người có công hàng năm.

- Chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối với người tham gia kháng chiến được hưởng 600.000 đồng/năm là quá thấp. Đề nghị xem xét nâng mức trợ cấp này lên cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng là thương binh, người có công tham gia kháng chiến cho phù hợp với thực tế hiện nay.

- Đề nghị xem xét có chế độ đối với người thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thờ cúng thương binh, thờ cúng liệt sĩ cô đơn tương tự như đối với người thờ cúng liệt sĩ.

- Đề nghị xem xét có chế độ trợ cấp một lần cho người tham gia hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhưng hồ sơ gốc không ghi ngày tháng tham gia cách mạng.

Vì hiện nay, thực hiện theo Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW, ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần và Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ về việc bãi bỏ Nghị định số 89/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/8/2008 nêu trên, nhưng Ban Tổ chức Trung ương không có văn bản thay thế Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW.

Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, địa phương gặp vướng mắc trong thủ tục hồ sơ, quy trình xét duyệt và không rõ cơ quan nào tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc cấp ủy địa phương quản lý.

Do đó, đề nghị Chính phủ và Ban Tổ chức Trung ương có sự thống nhất về chủ trương, hướng dẫn cụ thể để thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Lĩnh vực văn hóa, du lịch:

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và du lịch hiện còn thiếu nhất quán, thiếu tầm nhìn, gây ra dư luận xã hội tiêu cực (lễ hội diễn ra nhiều, gây lãng phí; việc cấp phép lưu hành các bài hát còn tùy tiện,...).

Lĩnh vực y tế:

Cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại Bệnh viện Ung bướu và Trung tâm Truyền máu Huyết học TP.HCM trong vụ 20.000 viên thuốc ung thư bị tiêu hủy, gây bức xúc trong nhân dân.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

- Hiện nay, tình trạng lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, thờ ơ, vô cảm trước các hành vi vi phạm,... là vấn đề báo động, gây bức xúc trong xã hội. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy đạo đức, giáo dục công dân trong các cấp học, nhất là bậc đại học nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

- Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác cải cách giáo dục phải mang tính lâu dài. Hiện nay, kết quả giáo dục chưa đồng bộ và xứng tầm với công sức đầu tư; quy hoạch mạng lưới trường đại học phù hợp với vùng, miền, tránh tình trạng có quá nhiều trường đại học nhưng không có thương hiệu, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó xin việc làm./.

Phan Hậu (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết