Tiếng Việt | English

07/01/2019 - 09:46

Cùng con vượt khó

“Con không may bị khuyết tật nên gia đình càng yêu thương, chăm sóc, che chở và cùng con bước qua những đoạn đường gian nan nhất để đi đến bến bờ hạnh phúc” - Đó là chia sẻ của những gia đình không may có con bị khuyết tật.

Ông ngoại Trương Thị Mỹ Trân cho biết: “Trẻ bị khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không hề bất hạnh”

Ông ngoại Trương Thị Mỹ Trân cho biết: “Trẻ bị khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không hề bất hạnh”

Tình thương và nghị lực

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi gặp Nguyễn Thị Thúy Vy (học sinh lớp 10, Trường THPT Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là em rất vui vẻ, hoạt bát. Nhưng ít ai biết rằng, em và gia đình rất quyết tâm và đầy nghị lực mới chiến thắng bệnh tật.

3 tuổi, trong khi những đứa trẻ khác đã biết đi, còn Vy vẫn chưa đứng vững. Thấy vậy, gia đình đưa em đến bệnh viện ở TP.HCM khám thì phát hiện Vy bị bệnh loạn xương. Từ đó, gia đình xác định phải là chỗ dựa vững chắc và luôn đồng hành để em vượt qua khó khăn, bệnh tật. Sau nhiều năm chạy chữa, giờ Vy có thể tự đi lại và là học sinh tiên tiến suốt nhiều năm liền.

Vy tâm sự: “Mặc dù cơ thể em phát triển không bằng các bạn khác nhưng gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho em vượt qua khó khăn. Hơn hết, gia đình luôn dạy em biết chấp nhận sự thật, cách sống tự lập, vươn lên trong cuộc sống”.

Không may mắn như trường hợp của Vy, Trương Thị Mỹ Trân (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) bị khuyết tật nghe nói và thường xuyên bị kinh phong giật. Giờ đây, mọi sinh hoạt của em đều cần người thân giúp đỡ. Thế nhưng, gia đình Trân không lấy đó làm mặc cảm, ngược lại luôn quan tâm, chăm sóc em chu đáo. Ông ngoại Trân tâm sự: “Con, cháu mình kém may mắn thì càng phải yêu thương. Hơn nữa, cháu Trân chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi phải chăm sóc và quan tâm đến cháu nhiều hơn. Theo tôi, trẻ bị khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không hề bất hạnh”.

Cùng con vượt qua bệnh tật

Đối với cha mẹ, các con là tài sản vô giá. Nếu không may con bị khiếm khuyết thì cha mẹ chính là người đau lòng, lo lắng nhất. Mẹ em Nguyễn Huỳnh Quốc (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) bộc bạch: “Con tôi bị khuyết tật nên gia đình càng yêu thương, chăm sóc, che chở và cùng con bước qua những đoạn đường gian nan nhất”.

Được biết, lúc mới sinh, Quốc là đứa trẻ bình thường. Đến 18 tháng tuổi, Quốc bị sốt cao, co giật dẫn đến bại liệt. Không đầu hàng số phận, gia đình đưa em đi khắp nơi chạy chữa. Mẹ Quốc cho biết thêm: “Chồng tôi làm tài xế, còn tôi làm kế toán ở Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành), thu nhập cũng không cao. Trong khi đó, vợ chồng tôi vừa chăm sóc cha mẹ chồng, vừa lo thuốc men cho con. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi và muốn buông xuôi, nhưng mỗi lần nhìn con, tôi lại có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Gia đình luôn là điểm tựa cho Nguyễn Huỳnh Quốc

Gia đình luôn là điểm tựa cho Nguyễn Huỳnh Quốc

Hoàn cảnh của Nguyễn Thị Như Ý (học sinh lớp 4, Trường THCS Thi Văn Tám, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa) rất đáng thương. Hiện em bị ung thư máu. Và căn bệnh này của em đã đẩy gia đình đến cảnh nghèo khó. Bởi hàng tuần, em phải đi thay máu một lần, với chi phí trên 1 triệu đồng. Ý tâm sự: “Để có tiền chữa bệnh cho em, cha mẹ phải đi vay mượn khắp nơi. Tuy gia đình khó khăn nhưng cha mẹ luôn thương yêu và động viên em cố gắng vượt qua bệnh tật”.

Mỗi em khuyết tật có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em đều có những người ông, người bà, người cha, người mẹ hết lòng thương yêu, che chở. Và họ chính là điểm tựa cho các em vượt qua khó khăn, bệnh tật./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết