Tiếng Việt | English

04/12/2018 - 02:00

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: 90 ngày hòa hoãn

“90 ngày hòa hoãn” là kết quả đạt được từ cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20.

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí chưa áp đặt các biện pháp đánh thuế bổ sung sau ngày 01/01/2019. Theo đánh giá của của truyền thông quốc tế, đây là sự “đồng thuận quan trọng” mà chưa phải là bước đột phá bởi những khác biệt còn quá nhiều giữa hai bên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WP

Mỹ và Trung Quốc có 90 ngày để đàm phán nhằm tránh đánh thuế bổ sung lẫn nhau - kết quả đạt được từ cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina đã phần nào giải tỏa lo ngại của quốc tế, bởi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu.

Trang web đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) đăng bài bình luận cho rằng, 2 bên đã nhất trí “hãm phanh” leo thang xung đột thương mại để giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán và đó là hướng đi đúng, tiến tới hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), chủ tịch Trung Tâm Toàn Cầu Hóa Trung Quốc lạc quan dè dặt: “Sau nhiều tháng căng thẳng thương mại Mỹ -Trung thì thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạm thời giải tỏa xung đột. Tạm dừng áp thuế mới được coi là cam kết mà 2 bên cần nỗ lực thực hiện. Vài tháng tới, hai bên sẽ phải cố gắng thu hẹp các bất đồng dù khó khăn tới mức nào bởi nền kinh tế của 2 nước rất gắn kết, có quan hệ chặt chẽ, không bên nào có lợi nếu xảy ra tranh chấp. Tôi không dám chắc thời hạn 90 ngày có đạt đươc hay không nhưng về lâu về dài, hai nước sẽ phải giải quyết bằng được các tranh chấp”.

Tờ Thời báo New York bình luận, cái bắt tay thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp cả hai nền kinh tế tạm dừng các xung đột thương mại kéo dài. Điều này sẽ trấn an thị trường tài chính vốn gặp phải nhiều hoài nghi và bất an trong suốt vài tháng qua. Nông dân Mỹ cũng sẽ giảm thiểu sự lo lắng trước hậu quả của các đòn trả đũa mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ.

Thị trường chứng khoán cũng đã có phản ứng ngay lập tức. Chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch sáng nay. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải và chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) lần lượt tăng 2,91% và 2,68%. Trong khi đó, tỷ giá đồng Nhân dân tệ cũng tăng 0,43%.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng, 90 ngày hòa hoãn rất khó để hai bên vượt qua được những khác biệt quá lớn về chính sách thương mại. Chiến lược gia về chướng khán tại công ty Daiwa Capital Markets (Hong Kong), Paul Kitney nói “thỏa thuận chưa phải là tạm dừng cuộc chiến thương mại mà chỉ là sự giảm bớt leo thang. Mức thuế hiện nay đã có tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc và tác động đó chưa thể mất đi ngay tức khắc”.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng 90 ngày sẽ không tạo nên sự khác biệt bởi các công ty đã bắt đầu xem xét lại kế hoạch hoạt động. Theo kết quả khảo sát công bố hôm nay,  hoạt động của các nhà máy Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng 11, và các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm, do hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.

Theo các chuyên gia, “90 ngày đình hoãn” thực tế chỉ là để tránh đổ vỡ về quan hệ chứ không phải là đột phá. Hai bên còn khoảng cách quá xa trong các vấn đề căn bản như tiếp cận thị trường và chính sách thương mại. Ngay cả đề nghị của phía Mỹ được Trung Quốc nhất trí là Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ  nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương là yêu cầu phi thực tế bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không đột nhiên nhập khối lượng hàng hóa lớn dù có mức thuế thấp.

Quan trọng nữa là không bên nào có ý muốn nhượng bộ, nhất là nội bộ đội ngũ tư vấn thương mại của Tổng thống Mỹ đang mâu thuẫn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tỏ ra mềm dẻo với Trung Quốc thì một nhóm khác, bao gồm Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro lại kêu gọi gia tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc./.

Trần Nga/VOV.VN

Chia sẻ bài viết