Tiếng Việt | English

23/05/2019 - 20:23

Cuộc đua thuyền cúp Ty Nam đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Việc Trung Quốc tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Ngày 23/5, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc từ ngày 22-26/4 tổ chức đua thuyền buồm cúp Ty Nam tại khu vực đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không tái diễn hoạt động nói trên, không có hoạt động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.”

Liên quan đến thông tin trong Báo cáo ngày 20/5 của các chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu mang tiếng phá hoại môi trường của Trung Quốc đã gia tăng hoạt động tại Biển Đông, cụ thể là vùng biển quanh Đá Bông Bay, và đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việc khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được nêu trong công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Các việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Các quốc gia cũng cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về môi trường”./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết