Tiếng Việt | English

18/07/2017 - 23:45

Cuộc sống sau cánh đồng cỏ hoang

Từ những cây bàng mọc hoang ở một số khu công nghiệp chưa san lấp, xây dựng trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhiều người dân địa phương cắt, bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập, chăm lo cuộc sống gia đình.

Lặn Lội mưu sinh

“Chia tay” nghề làm thuê, làm mướn, gần 10 năm nay, bà Võ Thị Ngoan, 54 tuổi, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa rong ruổi trên những cánh đồng cỏ hoang để kiếm thu nhập lo cho gia đình. “Đó là những cánh đồng có nhiều cây bàng mọc hoang ở một số khu công nghiệp chưa san lấp, xây dựng. Mỗi ngày, tôi và anh trai đến cắt, chở về bán cho cơ sở dệt chiếu ở huyện Bến Lức và người dân địa phương đan đệm, các loại bao bàng,...”.


Ngoài bán cho thương lái, bà Võ Thị Ngoan dành lại ít bàng để đan bao, đệm kiếm thêm thu nhập

“Địa phận” cắt bàng của bà Ngoan ở Khu công nghiệp Đức Hòa 3, Khu công nghiệp Xuyên Á thuộc xã Đức Lập Hạ và Mỹ Hạnh Bắc. Quanh năm, bà lặn lội từ chỗ này sang chỗ khác để cắt bàng. Mỗi ngày, bà chạy xe máy đi cắt bàng từ sớm đến tối mịt mới trở về. Ngâm mình dưới nước, bà cặm cụi cắt từng bó bàng giữa cái nắng chang chang! Đó là chưa kể những lần hiểm nguy vì những nơi bà đến cắt bàng rất vắng vẻ, ít người qua lại.

Bà Ngoan kể rằng: “Một lần, tôi để xe máy trên đường và lội xuống ruộng nước cắt bàng thì có vài thanh niên lại gần chiếc xe và lấy điện thoại di động mà tôi bỏ trong túi nylon, treo trên xe. Dù nhìn thấy nhưng không dám lên tiếng vì giữa đồng vắng vẻ, sợ kêu cứu sẽ nguy hiểm cho bản thân”.

Lội nước cắt bàng, bị những gốc tràm, cây tạp cứa vào người nên đôi chân bà Ngoan đầy sẹo. Nhưng riết thành quen, những chuyến lặn lội dưới nước, các vết trầy xước dường như quá bình thường với bà. “Nếu so với đàn ông, phụ nữ làm nghề này vừa khổ cực, vừa nặng nhọc. Mỗi lần cắt xong, tôi phải ì ạch vác lên đường và bó lại, chở về nhà. Nhà không ruộng đất sản xuất, cuộc sống lại khó khăn nên có vất vả cũng phải ráng” - bà Ngoan nói thêm.

Khi chọn con đường rong ruổi trên những cánh đồng cỏ hoang, bà Ngoan và những người khác đều chấp nhận sự vất vả, khổ cực như thế! “Bàng thường mọc ở những nơi bưng, biền đất phèn. Vì thế, khi ngâm mình dưới nước, biết ảnh hưởng sức khỏe nhưng vì nghề này có thu nhập, giúp cải thiện kinh tế gia đình nên phải chịu khó” - ông Trần Văn Đẫm, ngụ ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc - người hơn 2 năm làm nghề cắt bàng, cho biết.

Nguồn thu nhập chính của gia đình

Một ngày mưu sinh trên cánh đồng cỏ hoang, bà Ngoan cắt được gần 30 bó bàng và bán cho cơ sở dệt chiếu ở huyện Bến Lức với giá 10.000 đồng/bó bàng tươi. Ngoài ra, bà còn phơi, ép và buộc lại thành neo bán cho dân địa phương với giá 20.000 đồng/neo. Bà Ngoan nói: “Vì phải bỏ công phơi, ép nên giá cao hơn so với bàng tươi. Nếu tính trung bình, mỗi ngày, tôi kiếm được gần 300.000 đồng. Ngoài ra, tôi cũng để lại một ít bàng để đan đệm cho khách. Mỗi tháng, tôi đan 10 tấm đệm, mỗi tấm được trả công 300.000 đồng”.

Cần mẫn lao động vì mưu sinh

Số tiền này là nguồn thu nhập chính của gia đình có 5 thành viên. Chồng bị mù sau lần bệnh về mắt nên chỉ quanh quẩn ở nhà, không thể giúp bà Ngoan gánh vác mọi việc. Hai đứa con của bà cũng thế! Đứa con trai đầu mang trong người căn bệnh suy thận, con gái út lại đang tuổi ăn học nên gánh nặng mưu sinh do bà gánh vác. Nếu không có thu nhập từ việc cắt bàng, có lẽ cuộc sống gia đình bà Ngoan rất chật vật, thường xuyên thiếu trước, hụt sau. Công việc này tuy không thể đưa gia đình thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo ở địa phương nhưng cũng giúp bà có đồng vào, đồng ra trang trải cuộc sống.

Cũng như bà Ngoan, cuộc sống gia đình ông Trần Hữu Vân, ngụ ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc cũng nhờ vào những cánh đồng bàng. Thấy dọc tuyến Đường tỉnh 823B ở xã Mỹ Hạnh Bắc có nhiều cánh đồng bàng mọc hoang, ông Vân mua phân tro rải để cây bàng phát triển tốt, đợi ngày thu. Ông chia sẻ: “Mỗi ngày, sau một buổi cắt bàng, thương lái đưa xe đến tận nơi thu mua với giá 12.000-14.000 đồng/bó. Thông thường, 1ha bàng cắt được từ 150-200 bó. Nhờ vậy mà những năm gần đây, tôi kiếm hơn 100 triệu đồng/năm nhờ bàng”.


Việc cắt bàng rất vất vả nhưng vì cuộc sống, nhiều người vẫn cố gắng

Cũng theo lời ông Vân, thương lái mua bàng tươi mang về tỉnh Tiền Giang bán cho những cơ sở sản xuất các loại giỏ, đệm xuất khẩu. Vì thế, để thương lái tin tưởng, ông Vân bán bàng chất lượng, đủ độ già và khi thành phẩm còn giữ màu xanh tự nhiên. Ông Vân cho biết thêm: “Bàng già cao khoảng 1,8-2m và cọng to là có thể cắt. Không phải cắt thế nào bán thế ấy mà phải lựa bỏ những sợi vàng úa trước khi giao cho thương lái”.

Công việc tuy vất vả nhưng chỉ cần còn những cánh đồng bàng, họ vẫn mưu sinh, kiếm tiền chăm lo cuộc sống gia đình. Và, mai này, khi nhà xưởng, công ty mọc lên ở những vùng đất ấy, cánh đồng bàng không còn và những người làm công việc này cũng khép lại cuộc sống sau cánh đồng cỏ hoang./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết