Tiếng Việt | English

14/03/2018 - 21:30

Cuộc thi tiếng hát tình ca Bắc Sơn đong đầy cảm xúc

Dù kết thúc hơn 3 tháng nhưng cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn do Tập đoàn An Nông tổ chức vẫn đọng lại nhiều cảm xúc. Kết thúc cuộc thi không hẳn là điểm dừng mà đó là bước đệm để tiếp tục làm “sống” lại dòng nhạc quê hương, đưa những giai điệu mượt mà, sâu lắng ngày càng lan tỏa, đi vào lòng người nghe.

1. Tuy không theo dõi xuyên suốt cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn, chỉ xem Đêm gala chung kết xếp hạng cũng đủ làm tôi cảm nhận được cái tình của cố nhạc sĩ đối với quê hương qua những “đứa con tinh thần” của mình. Đó là những làn điệu dân ca, khúc hát quê hương quá đỗi thân thương, gần gũi!

Tình khúc Bắc Sơn gần gũi với cuộc sống đời thường bởi những ca từ, hình ảnh cố nhạc sĩ dùng để viết nên tác phẩm cũng rất bình dị, giản đơn. Nói như NSND Bạch Tuyết: “Tôi rất yêu dòng nhạc Bắc Sơn cũng như kính trọng nhân cách sống của ông. Nhạc Bắc Sơn với những ngữ điệu rất gần gũi, chân phương nên mỗi lần nghe như nghe tiếng nói tâm hồn, âm điệu dân tộc”.

Những làn điệu dân ca, hình ảnh chân quê, mộc mạc cũng để lại cho em Nguyễn Thị Như Ý (Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An) nhiều ấn tượng khi đến với cuộc thi. Như Ý chia sẻ: “Nhiều nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Bắc Sơn nghe một lần không hiểu hết được lời và ý nhạc. Khi thưởng thức nhiều lần, mới cảm nhận được và càng nghe càng “thấm”, càng thích. Có những câu hát giống như câu giao tiếp đời thường nhưng lại được ông đưa vào âm nhạc một cách khéo léo. Và, chẳng hiểu vì sao, những hình ảnh mộc mạc, giản dị ấy lại trở nên thật đẹp trong tình ca Bắc Sơn.

Đôi khi, đó chỉ là một chùm phượng đỏ, chùm khế, rau đắng, góc bếp,... cũng làm Như Ý và nhiều người nghe cảm thấy nao lòng khi cố nhạc sĩ dùng hình ảnh bình dị, thân thương để nói lên tình yêu quê hương, đôi lứa. Vì vậy, nhạc Bắc Sơn luôn dạt dào cảm xúc, ru lòng người nghe, gợi tình quê da diết.

Ngoài hình ảnh quê hương thân thương, Lâm Văn Cờ - người đoạt giải quán quân cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn, còn ấn tượng bởi chất liệu trong từng khúc hát. Anh nói: “Ngoài những làn điệu dân ca, bài hát quê hương quen thuộc, đến với cuộc thi, tôi còn biết thêm nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ chưa được phổ biến. Đa số ca khúc này đều khó thể hiện từ câu từ đến giai điệu. Bởi, ca từ trong nhạc Bắc Sơn tuy rất đời thường, gần gũi nhưng cũng mang tính hiện đại. Trong đó, một số ca khúc mang chất liệu âm nhạc ngũ cung, bán cổ điển và cổ điển. Mỗi chất liệu kết hợp một chút, cùng hòa quyện tạo nên những khúc hát mang màu sắc riêng - vừa thời đại, vừa sâu sắc”.

Nhạc Bắc Sơn mang âm hưởng dân ca ngọt ngào với những hình ảnh mộc mạc, thân thương

Nhạc Bắc Sơn mang âm hưởng dân ca ngọt ngào với những hình ảnh mộc mạc, thân thương

2. Nhiều người cho rằng, giới trẻ đang dần quay lưng với dòng nhạc dân ca, quê hương trữ tình. Nhưng, qua cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn, có thể khẳng định, điều này chưa hẳn đúng! Tình ca Bắc Sơn nói riêng, dân ca, nhạc trữ tình quê hương nói chung còn sức sống mãnh liệt lắm giữa những dòng nhạc hiện đại! Bởi, trong cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn, đa số thí sinh đều có tuổi đời khá trẻ và thể hiện rất tốt nhạc Bắc Sơn.

Ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Hạ Châu từng chia sẻ: “Tôi rất vui khi cuộc thi thu hút thí sinh trẻ từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Từ những giai điệu mang âm hưởng dân ca mượt mà, khúc hát trữ tình quê hương đến bài hát chưa được phổ biến nhiều, các thí sinh đều trình bày tròn trịa. Đặc biệt, nhiều thí sinh rất hiểu và thể hiện đúng “chất” Bắc Sơn trong nhiều ca khúc. Đó là những ca từ mang đặc trưng phương ngữ Nam bộ mà chỉ có hiểu, yêu nhạc Bắc Sơn, thí sinh mới hát tốt”.

Nhạc Bắc Sơn vốn lay động người nghe, trong cuộc thi, có nhiều câu chuyện, hình ảnh càng làm người nghe cảm động hơn. Như sự góp mặt của danh ca Hương Lan - nữ ca sĩ thể hiện thành công nhạc Bắc Sơn, cùng các ca sĩ: Bích Phượng, Hạnh Nguyên, Đông Đào, nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng,... trong các đêm thi diễn ra không chỉ góp phần giữ lại, làm lan tỏa những giai điệu mang âm hưởng dân tộc mà còn là “khúc hát tri ân, tưởng nhớ” gửi đến cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Còn với những thí sinh, dù mang trên mình khiếm khuyết cơ thể nhưng vẫn tự tin đến với cuộc thi chỉ vì lý do đơn giản - rất yêu dòng nhạc Bắc Sơn. Thí sinh Ngọc Anh (15 tuổi) thật sự làm người nghe cảm động khi mang giọng hát trong trẻo, đầy chất tự sự vào bài Còn thương rau đắng mọc sau hè

Đặc biệt, nhiều ca khúc được thể hiện trong các vòng thi dưới hình thức nhạc kịch rất cảm động. Mùa bông điên điển (thí sinh Lâm Văn Cờ biểu diễn) lấy nước mắt khán giả khi dựng lại một câu chuyện tình buồn miên man trong mùa nước lũ. Hay câu chuyện Về quê ngoại (thí sinh Như Ý) gợi lại bao ký ức tuổi thơ trong lòng nhiều người. Ca khúc ngọt ngào được dẫn dắt bởi câu chuyện của những đứa cháu xa quê trở về bên ngoại càng trở nên sâu lắng hơn. Những hình ảnh: Cá rô kho tộ, canh rau đắng,... trong ca khúc khiến lòng người xa xứ xốn xang, muốn quay về quê hương. Anh Trần Thanh Phong, ngụ quận 10, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi lập nghiệp ở TP.HCM hơn 5 năm. Mỗi lần nghe nhạc Bắc Sơn lại nhớ quê da diết. Trong Đêm gala chung kết xếp hạng, được xem những câu chuyện nhạc kịch cảm động, tôi lại nôn nao muốn về quê, thăm ngoại của mình”.

Tình ca Bắc Sơn - những giai điệu sáng tác đã nhiều năm nhưng vẫn nguyên giá trị. Nhạc Bắc Sơn vẫn “sống” như chính tình yêu quê hương, gia đình, luôn trường tồn, hiện hữu trong mỗi cá nhân./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết