Tiếng Việt | English

08/01/2016 - 06:06

Cuộc thử bom của Triều Tiên làm tăng nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân

Do bom thử là nhiệt hạch hay phân hạch thì vụ thử của Triều Tiên vẫn làm tăng nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân hoặc đụng độ hạt nhân.

Các chuyên gia cho hay, với việc Triều Tiên tuyên bố nổ thử một quả bom nhiệt hạch, nước này đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân toàn cầu cũng như làm tăng khả năng họ bị trừng phạt.


Truyền hình Hàn Quốc phản ánh về vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Vài quốc gia, đặc biệt là hai nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản, đã kêu gọi trừng phạt quốc gia này.

Giáo sư Charles Armstrong hôm 6/1 cho hay kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm tăng hiểm họa phổ biến thứ vũ khí giết người hàng loạt này.

Ông Armstrong lập luận rằng, thậm chí nếu quả bom đó không phải là bom nhiệt hạch thì vụ nổ vẫn tạo ra các mối đe dọa tiềm tàng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Ông Armstrong tuyên bố thêm: “Mặc dù vào thời điểm này ít khả năng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phát triển vũ khí hạt nhân để đáp trả, thì sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ trong khu vực này vẫn là rất mạnh và nguy cơ đụng độ trong vùng bằng vũ khí hạt nhân trở nên lớn hơn bao giờ”.

Ông Armstrong kết luận, nếu quả bom của Triều Tiên thực sự là khinh khí, thì năng lực hủy hoại của quốc gia này sẽ gia tăng.

Trong khi đó chuyên gia Scott Snyder – giám đốc chương trình Chính sách Mỹ-Hàn của Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) thì có nói với Sputnik vào hôm 6/1 rằng nếu tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên là đúng thì gần như chắc chắn Liên Hợp Quốc sẽ ban bố lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Chuyên gia Snyder dự báo cuộc thử bom của Triều Tiên có thể khiến Trung Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc thúc đẩy Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân.

Ông này nói: “Nhiệm vụ chính và câu hỏi chính xoay quanh việc liệu cuộc thử này của Triều Tiên có phải là một bước ngoặt khiến Bắc Kinh gác sang một bên các nghi ngại đối với chính sách tái cân bằng của Mỹ để cùng tham gia một chiến dịch lâu dài chung nhằm buộc Triều Tiên lùi bước và từ bỏ các nỗ lực phát triển hạt nhân của mình”.

Snyder kết luận rằng tác động lên các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào quyết định của họ về việc phối hợp phản ứng trước động thái mới của Triều Tiên.

Trước đó vào ngày 6/1 tình báo Hàn Quốc cho biết vụ nổ khinh khí ở Triều Tiên ít khả năng là nhiệt hạch, vì biên độ địa chấn do vụ thử hạt nhân gây ra không đủ lớn./.

Trung Hiếu/VOV.VN (Theo Sputnik)

Chia sẻ bài viết