Tiếng Việt | English

27/04/2019 - 19:03

Cựu chiến binh biến đồng hoang thành khu du lịch sinh thái miệt vườn

Với cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghị (tên thường gọi Ba Be, ngụ ấp 2, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), môi trường quân đội đã rèn cho ông bản lĩnh và nghị lực vượt khó. “Rời tay súng, chắc tay cày”, ông viết tiếp bài ca vỡ đất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng đất hoang hóa Đồng Tháp Mười.

Đến tham quan mô hình du lịch sinh thái miệt vườn của ông Ba Be, du khách có thể tự tay câu, chế biến và thưởng thức các loại cá đồng

Đến tham quan mô hình du lịch sinh thái miệt vườn của ông Ba Be, du khách có thể tự tay câu, chế biến và thưởng thức các loại cá đồng

Một thời hoa lửa

Thời gian có thể làm cho cuộc sống thay đổi, nhưng với ông Ba Be, ký ức về tình đồng đội, những người một thời bom đạn vẫn luôn nguyên vẹn. Gần bước sang tuổi 70, vậy mà mỗi lần nhắc về chiến trường xưa, ngọn lửa nhiệt huyết ngày nào vẫn luôn rực cháy trong lòng người lính Cụ Hồ này. 

Ông nhớ lại: “Năm 1968, lúc đó tôi 17 tuổi đã bí mật tham gia công tác tuyên huấn ở địa phương (chiến trường Phân khu 2). Nhiệm vụ chính của tôi là dùng xe đạp đi giao thư; bơi xuồng đưa, rước dân công tải đạn, học sinh, sinh viên tham gia các cuộc biểu tình”. 

Năm 1973, vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra khốc liệt, người thanh niên nơi rốn phèn cưới vợ chưa đầy 1 tháng đã chính thức thoát ly theo cách mạng. Xác định có thể không có ngày về nhưng với tinh thần yêu nước, ông vượt lên tất cả, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. 

Và dấu chân người lính ấy hiên ngang trên khắp các chiến trường từ Tịnh Biên, Bàu Năng (Tây Ninh) đến Bình Thành, Ba Thu (Long An), Long Định, Long Hưng (Tiền Giang),... góp phần vào chiến thắng của quân đội ta. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1978, ông tiếp tục gắn bó với màu áo lính, tiên phong trên mặt trận biên giới Tây Nam. 

Với ông, ngày nào còn sống, ngày đó còn cống hiến. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông nhắc nhiều đến đồng đội, đó là đồng chí Hai Nhẫn - nguyên Huyện đội trưởng Bến Thủ (huyện Thủ Thừa bây giờ), cùng vào sinh ra tử với mình. “Khi mới chập chững bước vào môi trường quân đội, đồng chí Hai Nhẫn dạy tôi cách nhận dạng địch núp, đóng quân ở khu vực Bo Bo, Bình Thành, Ba Thu,... Không chỉ vậy, anh ấy còn dạy tôi cách bơi xuồng đi giữa lòng địch; cách ngụy trang bằng lá khoai mì, tràm, dừa nước, đi túi nylon nhằm phủ dấu chân không để cho địch phát hiện” - ông Ba Be tự hào kể về đồng đội của mình.

Những ngày này, ông cùng nhiều CCB khác trong xã thường ngồi bên nhau xúc động kể về chiến trường xưa, ký ức của một thời hoa lửa. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cho cháu con, thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. “Gia đình tôi vốn có truyền thống cách mạng. Ông ngoại, cha, chú út, cô tám, anh hai và tôi đều xung phong ra chiến trường đánh Pháp, đuổi Mỹ, cứu nước. Hòa bình lập lại, có người còn sống, tiếp tục tham gia hoạt động trong môi trường quân đội, làm cán bộ ở địa phương, nhưng cũng có người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường” - ông Ba Be tự hào.

Chủ tịch Hội CCB xã Bình Phong Thạnh - Nguyễn Văn Rào nhận xét: “Không những làm kinh tế giỏi, ông Ba Be còn là hội viên gương mẫu, đi đầu trong công tác hội của địa phương, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, giáo dục  truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp đỡ nhiều hộ dân, hội viên CCB về vốn, kỹ thuật sản xuất. Nhiều năm liền, ông được UBND tỉnh, Trung ương hội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào CCB giúp đỡ nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi”.

Tỉ phú giữa chốn bưng biền

Trở về quê hương sau những năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ông “đùm túm” gia đình vào vùng rốn phèn khai hoang, mở đất, tìm miếng cơm, manh áo cho vợ con. Ông nhớ lại: “Lúc mới vào đây, khu vực này còn hoang vu lắm! Vùng đất toàn là phèn, không có giọt nước ngọt để uống. Để “trị” phèn, tôi phải ngày đêm đào kênh, vay mượn tiền bạn bè mua vôi rắc giải cứu đồng ruộng; nghiên cứu, tìm giống cây thích hợp với đất phèn, hạn chế nước ngọt”.

Cây trồng mà ông chọn khởi nghiệp là khoai mỡ, sau đó trồng lúa, sen, dừa, nuôi vịt, rắn, cá,... Nuôi, trồng cây, con gì cũng đạt hiệu quả, năng suất cao, từ đó, ông Ba Be có biệt danh là “vua” nông nghiệp xứ Đồng Tháp Mười. “Đúng là khoai mỡ sống khỏe trên đất phèn, cho củ rất tốt. Nhờ loại cây trồng này, tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, nuôi, trồng thêm nhiều cây, con khác hiệu quả; xây dựng cơ ngơi, sở hữu hơn 20ha đất” - ông Ba Be thổ lộ.

Không dừng lại ở việc trồng trọt, chăn nuôi, gần đây, ông Ba Be lại thử sức với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại của mình, ông Ba Be bày tỏ: “Giá gương sen đang ở mức 50.000 đồng/kg nên vụ này trúng đậm. Với hơn 20ha đất, sau khi chia cho các con, tôi còn 12ha, trong đó có 7ha trồng sen lấy gương, trồng lúa và 5ha nuôi cá đồng. Lợi nhuận thu về từ khu đất này mỗi năm trên 210 triệu đồng”.

Gia đình ông đang “biến” khu đất này thành điểm du lịch hoang dã đúng nghĩa, bằng cách không đầu tư nhiều, để trang trại “mộc” với những bờ đê, ruộng lúa, ao cá đồng, rặng dừa và ngủ võng,... tạo điểm đến lạ mắt cho khách du lịch thích khám phá thời hoang sơ khai khẩn của Đồng Tháp Mười.

Ông Ba Be chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình trang trại nông nghiệp, du lịch, khách đến với chúng tôi đủ các thành phần, từ sinh viên đến các nhóm du lịch gia đình và kể cả khách thành thị, nước ngoài. Khách đến thường liên hệ trước để đặt các món ăn ưa thích và nếu có nghỉ đêm thì gia đình sẽ chuẩn bị chỗ nghỉ thoải mái”.

Đứng trong chòi tạm, đón những ngọn gió đồng nội mang theo hương sen, lúa thoang thoảng, chúng tôi phóng tầm mắt ra xa toàn là dừa, sen, lúa ngút ngàn, cò bay thẳng cánh. Lão nông Ba Be ở cái tuổi “xưa nay hiếm” khoe, xung quanh đây toàn đất của ông và con cháu. Hỏi vì sao có diện tích đất “khủng” này, ông xòe 2 bàn tay chai sần và bảo: “Tôi bắt đầu từ số không, nhờ hết vào đôi tay này!”./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết