Tiếng Việt | English

17/01/2019 - 15:11

Đa dạng hình thức hỗ trợ cho quân nhân xuất ngũ

Hàng năm, toàn tỉnh Long An có khoảng 1.500 thanh niên (TN) nhập ngũ và 1.500 quân nhân xuất ngũ (QNXN) về địa phương. Sau khi xuất ngũ, đa số TN được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều TN sau khi xuất ngũ chưa được tuyển dụng làm việc trong hệ thống chính trị, các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh nên phải đi làm ăn xa quê.

Thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ sẽ được hỗ trợ việc làm phù hợp sau khi xuất ngũ

Thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ sẽ được hỗ trợ việc làm phù hợp sau khi xuất ngũ

Loay hoay tìm việc làm

Dù được xuất ngũ nhiều năm nay nhưng cựu QNXN Nguyễn Ngọc Tuấn (TP.Tân An) vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Anh Tuấn bộc bạch: “Sau khi xuất ngũ, tôi được Nhà nước tạo điều kiện học nghề lái xe hạng B2 nhưng vẫn không tìm được chỗ làm. Tôi có tìm hiểu các công ty xuất khẩu lao động để đăng ký, tuy nhiên, mức phí phải đóng quá lớn, gia đình không thể lo nổi”.

Sau nhiều ngày loay hoay tìm việc, anh Tuấn quyết định xin vào làm công nhân cho một công ty trên địa bàn với mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân, trong khi đó, kinh tế gia đình rất khó khăn. “Tôi hy vọng Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn để QNXN có thể tiếp cận mở trang trại, phát triển kinh tế gia đình hoặc xuất khẩu lao động” - anh Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn.

Qua gần 1 năm được huấn luyện trong môi trường quân đội, anh Kiều Gia Bảo (huyện Cần Giuộc) sớm rèn luyện được ý thức kỷ luật, nhận thức chính trị của người quân nhân. Tuy nhiên, điều lo lắng của anh hiện nay là sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) trở về quê lại gặp nhiều khó khăn trong tìm việc làm và phát triển kinh tế gia đình. “Trước khi lên đường nhập ngũ, tôi làm việc cho một công ty nước ngoài với mức thu nhập khá. Gia đình còn lắm khó khăn, tôi mong muốn sau khi xuất ngũ được Nhà nước tạo điều kiện công tác tại xã nhằm phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được rèn luyện trong những tháng quân ngũ” - anh Bảo đề xuất.

Đảng viên xuất ngũ cần có việc làm phù hợp

Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 100 QNXN là đảng viên (ĐV). Bên cạnh được tạo việc làm tại chỗ, nhiều QNXN là ĐV sau khi hoàn thành NVQS vẫn chưa được tuyển dụng làm việc trong hệ thống chính trị, chưa tìm được công việc phù hợp tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh, nên phải đi làm ăn xa.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, từ tháng 01/2015 đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 304 ĐV xuất ngũ về địa phương. Số ĐV này được bố trí công tác ở hệ thống chính trị chiếm 7,8% (quân sự cấp xã 18, công an xã 6 ĐV); ĐV làm việc tại các công ty, xí nghiệp chiếm 63,2% và 20% làm việc tại nông thôn.

Dù thuộc diện được miễn tham gia NVQS nhưng Nguyễn Đăng Khoa (TP.Tân An) vẫn gác lại công việc của mình, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trước khi tình nguyện tòng quân, anh tham gia lực lượng dân quân thường trực địa phương và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8/2017.

“Với tôi, được tham gia NVQS là cơ hội để mình rèn luyện và thực hiện trách nhiệm của TN với Tổ quốc. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng nhất hiện nay là thực hiện tinh gọn biên chế, sau khi xuất ngũ nếu không còn bố trí công tác ở ban chỉ huy quân sự xã thì chẳng biết tìm việc làm ở đâu?” - Đăng Khoa trăn trở.

Tiếp tục phối hợp giải quyết

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ - Huỳnh Văn Mạnh, sở dĩ hiện nay, nhiều QNXN phải đi làm ăn xa vì nhu cầu sử dụng lao động của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều so với số lượng lao động của tỉnh nói chung, quân nhân xuất ngũ nói riêng. Bên cạnh đó, một số QNXN có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trước khi nhập ngũ có công việc ổn định ở các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Riêng tỷ lệ QNXN là ĐV được bố trí công tác ở hệ thống chính trị thấp do thiếu trình độ chuyên môn, đa số TN chỉ tốt nghiệp THPT, một số được đào tạo nghề nhưng chuyên môn không phù hợp với nhu cầu ở cơ sở.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh - Võ Thành Trí, từ năm 2017 đến nay (trước đó, Bộ Quốc phòng quản lý), tỉnh có nhiều chính sách đào tạo nghề cho QNXN; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề và thanh quyết toán kinh phí theo thẻ cho TN hoàn thành NVQS. Thời gian tới, ngoài phối hợp các sở, ngành, địa phương tư vấn, hướng nghiệp cho QNXN tham gia học nghề, sở còn thực hiện thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường xuất khẩu lao động đến với TN hoàn thành NVQS; nâng cao chất lượng đào tạo, rà soát, điều chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo nghề sát với vị trí việc làm, bảo đảm tay nghề cho TN sau khi hoàn thành khóa học.

Tại cuộc đối thoại với TN trong tỉnh vào cuối năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên vay vốn để QNXN phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra nhiều việc làm cho người lao động nói chung, QNXN nói riêng; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho QNXN là ĐV sau khi hoàn thành NVQS trở về bố trí, sử dụng lâu dài trong cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ và xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương.

NQXN luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá là lực lượng chính trị tin cậy, bộ phận nòng cốt trong hệ thống chính trị cơ sở. Vì vậy, hiện nay, đội ngũ này được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ về mọi mặt để xứng đáng là hạt nhân dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết