Tiếng Việt | English

01/09/2016 - 11:00

Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường mà còn là vấn đề bức xúc cho toàn xã hội khi có rất nhiều tai nạn thương tâm xuất phát từ việc lái xe khi đã uống rượu, bia say.

Người bị TNGT đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An

Cảnh giác với rượu, bia khi tham gia giao thông

Uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT). Rượu, bia được sử dụng rộng rãi, nhất là tại các buổi tiệc, dịp lễ, tết, họp mặt gia đình, bạn bè, trong quan hệ đối tác, làm ăn,... Đặc biệt là các thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt rồi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng,... là những hành vi mà xã hội thường xuyên lên án.

Bệnh nhân Phạm Văn Phúc (SN 1983), ở xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười lên Bệnh viện Đa khoa Long An từ ngày 25/8/2016 do va quẹt xe khi vừa có chút “hơi men”. Anh Phúc bị gãy chân, dập thận, đang điều trị tại Khoa Ngoại-Chấn thương.

Ông Phạm Văn Hậu, cha bệnh nhân Phúc cho biết: “Người đụng xe con tôi cũng say rượu nhưng chấn thương nhẹ hơn. Phúc là trụ cột chính của gia đình, ở nhà còn vợ và 3 con nhỏ, thu nhập bấp bênh mà lại bị TNGT nên gia đình đang rất lo lắng về chi phí điều trị. Sau khi xuất viện, không biết có di chứng nào ảnh hưởng sức khỏe về sau hay không?”. Thực tế, còn rất nhiều trường hợp TNGT thương tâm do say rượu mà cầm lái. Uống rượu, bia khi tham gia giao thông không chỉ làm ảnh hưởng đến bản thân mình mà còn tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của những người khác.

Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ Cao Đình Chương thông tin, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 150 ca cấp cứu, trong đó có từ 40-80 ca TNGT và hầu hết đều do say rượu. Từ đầu năm 2016 đến nay, số ca chấn thương do TNGT được tiếp nhận tại khoa là 4.292 ca, trong đó, ước khoảng 50% là có nồng độ cồn trong máu, nhiều nhất vào dịp cuối tuần, lễ, tết.

Cần phạt nặng để răn đe

Theo số liệu thống kê từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, Long An có 189 vụ TNGT đường bộ với 92 người chết, 173 người bị thương. TNGT có nhiều nguyên nhân như: Đi không đúng phần, làn đường; lấn trái; không làm chủ tốc độ; sử dụng rượu, bia;...

Theo khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm là: “Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Đến nay, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016 thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, nhóm lỗi vi phạm về nồng độ cồn được điều chỉnh tăng nặng nhằm tăng cường sự răn đe.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức xử phạt đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn so với Nghị định 171/2013/NĐ-CP, cụ thể:

- Đối với ôtô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm a, khoản 9, Điều 5) từ 10.000.000-15.000.000 đồng lên 16.000.000-18.000.000 đồng; đồng thời, tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng lên khung từ 4-6 tháng;

- Đối với môtô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở (khoản 6, Điều 6) từ 500.000-1.000.000 đồng lên 1.000.000-2.000.000 đồng; tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm c, khoản 8, Điều 6) từ 2.000.000-3.000.000 đồng lên mức 3.000.000-4.000.000 đồng và tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng lên khung từ 3-5 tháng.

Phó Trưởng ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On cho biết, trong dịp lễ 2/9 năm nay, do nghỉ 3 ngày liên tiếp nên nhu cầu đi lại tăng cao, khả năng dẫn đến quá tải về phương tiện tham gia giao thông, tăng nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông. Vì thế, UBND tỉnh có Văn bản số 3302/UBND-KT thực hiện Công điện số 1502/CĐ-TTg, ngày 23/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2016-2017.

Theo đó, Ban ATGT có kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát các điểm đen, điểm nóng về ATGT; xử lý, ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn TNGT; phối hợp các cơ quan thành viên đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trật tự, ATGT.

Người tham gia giao thông uống rượu, bia gây TNGT là thực trạng đáng lo ngại. Để phòng, chống TNGT, việc nâng cao nhận thức của người dân là giải pháp trọng tâm. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền về mức xử phạt vi phạm của hành vi này nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của cộng đồng./.

Thu Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích