Tiếng Việt | English

13/12/2017 - 14:48

Đặc sản quê lên phố

Hàng ngày, đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược, trên những con đường heo hút, chúng tôi vẫn bắt gặp những người phụ nữ tần tảo, tất bật với việc mưu sinh ở một góc nhỏ ven đường. Họ là những phụ nữ rất bình dị, gió mưa chẳng ngại, chỉ mong kiếm thêm vài chục ngàn đồng mỗi ngày để có con cá, miếng thịt cho bữa cơm gia đình, bộ quần áo mới cho con hay vài món ngon bồi bổ cho mẹ già.

Đặc sản quê đắt hàng

Ngày nay, khi thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, nhiều người tiêu dùng tìm mua những món “cây nhà lá vườn” cho bữa cơm gia đình. Có “cầu” ắt phải có “cung”, những nông dân, nhất là những phụ nữ vùng quê, nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Họ chọn việc "mua đi bán lại" những loại thực phẩm quê để kiếm “đồng ra, đồng vào”. Với 1 chiếc mẹt đựng mớ đọt choại và vài trái dừa để ven đường trước cửa nhà, chị Nguyễn Thị Hân, ngụ ấp 1, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa,  tỉnh Long An cho biết: "Tôi mới bày bán khoảng 2 tháng nay, chủ yếu bán cho người đi đường. Người ta thấy rau sạch nên thường ghé mua. Đọt choại này, tôi mua lại của mấy người trong xóm đi hái, mỗi kilôgam lời được 7.000-10.000 đồng. Nhờ mẹt rau này, mỗi ngày tôi kiếm 100.000 đồng”.

Những người phụ nữ vùng nông thôn chọn cách buôn bán thực phẩm quê như một cách để  mưu sinh

Trong khi thực phẩm bẩn tràn lan nên rau dại, cá đồng, gà thả vườn,... được người tiêu dùng tìm mua ngày càng nhiều. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (67 tuổi), ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, ngồi bán ở ven Đường tỉnh 825, chia sẻ: “Các bà nội trợ ngày nay sợ thực phẩm nhiễm hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên thường tìm mua thực phẩm ở tận quê nhà. Tôi lớn tuổi, mấy đứa con đi làm công nhân. Sau khi đưa các cháu đi học, tôi thu mua trong xóm có khi nải chuối, vài bó bông súng, năm ba trái đu đủ, mớ đậu rồng,... ra đây ngồi bán lại. Mỗi ngày kiếm vài chục ngàn, có khi cũng được cả trăm ngàn đồng”.

Chị Lê Thị Vệ, ngụ ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, cho biết: “Tôi bán ở chợ Lộc Giang hơn 4 năm nay, chủ yếu là “cây nhà lá vườn”. Dù tiền lời không nhiều nhưng cũng có “đồng ra, đồng vào”.

Chất lượng có bảo đảm?

Nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhiều người “xách tay” thực phẩm từ quê ra phố. Thế nhưng, chất lượng những sản phẩm này như thế nào thì không ai dám bảo đảm. Chị Hà Thu Cúc - công nhân Công ty E.H (xã Long Định, huyện Cần Đước), cho biết: “Tôi thường mua rau, cải, thịt, cá của một người ở chợ vỉa hè. Ban đầu, tôi mua giúp vì bà lớn tuổi, trông chất phác, thật thà và nghĩ những món hàng bà bán được đem từ quê ra. Ai ngờ, có lần, tôi mua phải thịt gà nhuộm màu, tôm bơm rau câu. Sau lần đó, tôi “tẩy chay” luôn người bán thực phẩm quê... trá hình này”.

Nhiều người ban đầu kinh doanh rất thật, chỉ chọn nguồn hàng sạch để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhu cầu người mua ngày càng tăng, nguồn “cung” không đủ nên một số người gắn mác hàng quê để đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, chất lượng thực phẩm quê hiện chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, quản lý sản phẩm bị thả nổi. Để có thực phẩm sạch thật sự, phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh chương trình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, các ngành chức năng khác cần siết chặt hoạt động thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh trường hợp cố tình vi phạm./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích