Tiếng Việt | English

29/08/2015 - 12:52

Đặc xá dịp 2/9: Hồi hộp ngày trở về

Đặc xá là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất và đó là đích chung mà những phạm nhân đang chấp hành án hướng đến.

Những ngày này, tại Trại giam Thanh Lâm (thuộc Tổng cục VIII - Bộ Công an) đóng trên địa bàn thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không khí vui mừng, hồi hộp chờ ngày đặc xá lan tỏa tới từng buồng giam.

Trở về để báo hiếu cha mẹ già

Những người bạn tù chia sẻ với nhau cảm xúc bịn rịn, những lời động viên, chúc mừng. Từ xưởng sản xuất tới khu vực lao động ngoài trời, ai cũng tích cực làm việc với một tinh thần thoải mái. Bởi chỉ còn ít hôm nữa thôi, sẽ có hàng trăm phạm nhân ở đây được hưởng chính sách đặc xá, có cơ hội làm lại cuộc đời và tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Trại giam Thanh Lâm đang hướng dẫn quy định của Chủ tịch nước về đặc xá cho các phạm nhân

Thời gian này, đặc xá là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất và đó là đích chung mà những phạm nhân đang chấp hành án tại đây hướng đến. Lĩnh án gần 16 năm tù, phạm nhân Nguyễn Viết Cương ở Chương Mỹ, Hà Nội đã sớm nhận thức được hành vi tội lỗi của mình nên đã nỗ lực để cải tạo tốt.

Nguyễn Viết Cường cho biết, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các phạm nhân ở đây rất tốt, có khu phòng ở, nhà bếp, khu vệ sinh và cả hội trường sinh hoạt tập thể… Ngoài ra trong trại giam có sẵn sân bóng đá, bóng chuyền… để phục vụ luyện tập sức khỏe sau những ngày lao động. Đây là một môi trường tốt để phạm nhân được sinh hoạt, cải tạo tốt.

Nguyễn Viết Cường nói: “Được cán bộ Trại giam Thanh Lâm hướng dẫn, học tập, bản thân tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm về kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm việc làm và rèn luyện được bản tính tốt hơn để có thể tái hòa nhập cộng đồng. Tôi bây giờ luôn nhớ về gia đình, nhớ đến mẹ già và mong làm sao khi về tái hòa nhập cộng đồng tốt, phấn đấu làm việc tốt để báo hiếu bố mẹ và chăm sóc gia đình nhỏ của mình”.

Các phạm nhân được đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng

Những phạm nhân chưa được xét đặc xá cũng tin tưởng, nếu cải tạo tốt sẽ được đặc xá trong một ngày không xa. Phạm nhân Nguyễn Hoài Giang, phân trại 1, Trại giam Thanh Lâm nói: “Mấy ngày qua, thấy anh em phạm nhân được đặc xá nhiều, bản thân tôi cũng thấy bồi hồi và rất vui mừng cho anh em. Chưa được đặc xá dịp này nên tôi tự nhủ luôn phấn đấu, chấp hành tốt nội quy trại giam để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm được đặc xá và tái hòa nhập cộng đồng”.

Để người được đặc xá nhanh chóng hòa nhập cộng đồng

Trung tá Hoàng Xuân Hiệp, Đội trưởng đội Giáo dục, Hồ sơ Trại giam Thanh Lâm cho biết, thực hiện Quyết định đặc xá năm 2015, ngay từ cuối tháng 7, giám thị Trại giam Thanh Lâm đã triển khai, thực hiện đúng theo đúng tinh thần hướng dẫn của Nhà nước về đặc xá cho phạm nhân.

Cán bộ Trại giam cũng đã vận động, tuyên truyền cho gia đình phạm nhân tự giác thực hiện các hình phạt bổ sung như: phạt tiền, bồi thường thiệt hại, các nghĩa vụ dân sự khác… để đảm bảo cho phạm nhân đủ điều kiện xét đặc xá. Những phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá đã qua thẩm định, sẽ được tham dự lớp học “đặc biệt” do Ban giám thị Trại tổ chức, được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống… nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Trung tá Hoàng Xuân Hiệp nói: “Trong quá trình hướng nghiệp, dạy nghề của phạm nhân thì Đảng ủy, Ban giám thị đã liên hệ với các doanh nghiệp, các công ty để để dạy nghề cho phạm nhân trong quá trình cải tạo tại trại giam. Dịp này, chúng tôi đã đề nghị mở 4 lớp dạy giáo dục công dân cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp 2/9.

Chúng tôi đã mời Trung tâm tư vấn pháp luật của hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa và các phòng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát ma túy và Phòng hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đến tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân được học tập đầy đủ các quy định của pháp luật để họ tái hòa nhập cộng đồng tốt”.

Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm cho biết: Đợt đặc xá năm 2015, trại có 290 phạm nhân trong tổng số hơn 3.600 phạm nhân được đề nghị đặc xá. Để công bằng, không nhầm lẫn, sót lọt người đủ điều kiện mà không được xét hoặc người không đủ điều kiện lại được xét đặc xá, Trại giam Thanh Lâm đã bám sát quy định về đối tượng được xét đặc xá dịp Quốc khánh năm 2015.

Bên cạnh điều kiện “cứng” về hình phạt và thời hạn chấp hành án, Hội đồng xét đặc xá đặc biệt lưu ý việc chấp hành nội quy trại tạm giam, tinh thần học tập, lao động cải tạo của các phạm nhân.

Theo Đại tá Phan Ngọc Việt: “Nếu được chấp thuận trở về đoàn tụ với gia đình, ai cũng mong muốn có việc làm ổn định, hoà nhập được với cộng đồng. Điều quan trọng nhất là phải xóa bỏ mặc cảm đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt là những người được đặc xá lần này. Bởi vì trong quá trình cải tạo, họ đã tiếp thu được đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước và sự giáo dục của cán bộ trại giam.

Sau khi được Chủ tịch nước đặc xá, cộng đồng phải dang rộng bàn tay để đón họ và không kỳ thị, phân biệt. Các cấp, ngành và chính quyền phải có động thái là tiếp nhận họ sau khi họ mãn hạn tha tù được về và có công ăn, việc làm ổn định để tạo cho họ tái hòa nhập cộng đồng”.

Không giống với bất kỳ sự trở về nào khác, con đường về lại với cộng đồng của những phạm nhân được đặc xá còn rất nhiều khó khăn phía trước. Cùng với nỗ lực của bản thân, họ rất cần sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội để có cơ hội làm lại cuộc đời./.

Việt Cường/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích