Tiếng Việt | English

04/11/2016 - 21:35

Đại biểu Quốc hội lo ngại xây dựng nông thôn mới chạy theo thành tích

Các đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng nhiều xã chạy theo thành tích để xây dựng nông thôn mới khiến nhiều địa phương phải mang nợ.

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Nhiều đại biểu quan ngại tình trạng chạy theo thành tích khiến các địa phương phải mang nợ, thậm chí một số xã đã mất khả năng thanh toán tiền nợ đọng.

Một xã nông thôn mới ở tỉnh Long An (Ảnh minh họa)

“Bệnh” thành tích

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước.

Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) cho rằng, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong việc xây dựng nông thôn mới cùng với tái cơ cấu nông nghiệp. Không thể phủ nhận tính đúng đắn và kết quả của chương trình nông thôn mới đã đạt được nhưng không thể không đặt vấn đề về mức độ tương xứng của kết quả đạt được với chi phí bỏ ra, cũng như phớt lờ các hệ lụy mà nhiều xã, nhiều gia đình nghèo phải gánh chịu.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, cần có điều tra, công bố đầy đủ việc nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn tới phá sản, đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho trương trình này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nếu xã nợ xây dựng cơ bản thì không xét đạt nông thôn mới, đồng thời phải có thước đo mức độ hài lòng của người dân trong xã nông thôn mới và cân đối thêm ngân sách cho xây dựng nông thôn mới.

Còn theo đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An), về cơ chế thanh quyết toán vốn đầu tư với các công trình do ngân sách nhà nước hỗ trợ dưới 50% là chưa cụ thể, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, giám sát, huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng nông thôn mới. Để huy động được toàn xã hội tham gia cần công khai, minh bạch các công việc. Nếu người dân được thông tin đầy đủ sẽ xóa được tư tưởng trông chờ và sẽ tích cực đóng góp.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn
Một số nơi triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (tỉnh Phú Yên) nêu thực tế: Tình trạng nhiều địa phương thiếu kinh phí, nhưng vẫn chạy theo làm nông thôn mới, biết là nợ nhưng vẫn làm. Do đó, đại biểu Vân đặt ra nghi vấn: Chắc vì có "hoa hồng" gì ở đây chăng?

“Tôi cho rằng việc này sẽ dẫn tới tình trạng không công bằng, với các xã, các địa phương thực hiện nghiêm túc và dễ dẫn tới tình trạng tạo ra một tiền lệ không tốt, những xã làm ẩu, làm bừa hoặc những địa phương làm để nợ đọng đến mức độ không trả nợ được,” đại biểu Nguyễn Hồng Vân nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh biết một số nơi triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Một số xã dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình, nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Một số địa phương chỉ tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình, trụ sở, nhà văn hóa, trường học... chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, ông Thanh cho hay./.

Trần Ngọc/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết