Tiếng Việt | English

30/09/2018 - 19:21

Đại học tuyển sinh thế nào khi không còn thi '2 trong 1'?

Nhiều trường ĐH cho rằng, nếu đề thi THPT quốc gia phân hóa tốt thì vẫn có thể sử dụng để xét tuyển CĐ, ĐH, nếu không sẽ phải có phương án thi riêng.

Mới đây, giải trình trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về các vấn đề giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Kỳ thi năm tới đây sẽ không phải để phục vụ cho 2 mục đích đồng thời mà phục vụ tốt nghiệp THPT”.  Do đó, đề thi sẽ không phải ra để phục vụ mục đích 2 trong 1 mà phục vụ để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng hoặc dùng các phương thức khác để xét tuyển.

Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ không còn phục vụ mục đích 2 trong 1. (Ảnh minh họa)

Nói về phương án tuyển sinh năm 2019, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, đến giờ Bộ chưa có văn bản chính thức nào về phương án tuyển sinh năm 2019, do đó, các trường chưa có cơ sở để bàn bạc cho phương án tuyển sinh.

 “Các trường phải đợi phương án chính thức rõ ràng của Bộ mới có thể quyết định. Thời điểm này rất khó để nói trường sẽ tuyển sinh như thế nào, có dựa vào kết quả thi THPT quốc gia như năm trước hay không, bởi còn tùy thuộc vào độ khó của đề thi đến đâu. Nếu kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, thì vẫn có thể sử dụng một phần kết quả, còn không, các trường sẽ phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Còn việc sử dụng bao nhiêu phần trăm kết quả thi THPT quốc gia thì cần phải xem xét”, ông Tú cho biết.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia từ khi tổ chức đến nay vẫn phục vụ cả 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển CĐ, ĐH.

“Nếu năm nay Bộ thay đổi, chủ trương phục vụ chính cho việc xét công nhận tốt nghiệp thì cũng sẽ phải thay đổi quy chế thi THPT quốc gia, không còn mục đích xét tuyển CĐ, ĐH. Việc này cũng sẽ đặt ra những thách thức cho các trường cao đẳng, đại học. Trong bối cảnh ấy, các trường sẽ tuyển sinh như thế nào?

Lý tưởng nhất thì nên có một cuộc thi đánh giá năng lực độc lập do Trung tâm khảo thí của Bộ tổ chức, để từ đó các trường lấy kết quả xét tuyển. Nhưng khi chưa có, các trường sẽ phải tự tính. Năm nay, mỗi trường sẽ đều phải nghĩ đến việc sẽ tuyển sinh như thế nào, có tổ chức thi đánh giá năng lực hay không, tận dụng kết quả thi đánh giá năng lực của 1 số trường hay tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mặc dù kỳ thi này không còn mục tiêu quan trọng là xét tuyển đại học, cao đẳng”.

Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng dự đoán rằng sẽ vẫn có nhiều trường sử dụng phương án này, rất ít trường đứng ra tổ chức thi riêng, hoặc sẽ chỉ kiểm tra thêm một số môn.

PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ năm 2015 đến nay, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vừa được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Hầu hết các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển cao đẳng, đại học.

 “Như vậy,  đương nhiên, kỳ thi này phải đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác và yêu cầu phân hóa, phân loại được thí sinh tốt. Nếu như đề thi ra tất cả thí sinh đều đạt điểm khá giỏi thì các trường không thể chọn được. Đến giờ ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chưa có bất cứ phương án nào, vì chưa biết rõ cách thức cũng như định hướng  đề thi. Nếu như đề thi chỉ để xét tốt nghiệp thì có thể phân hóa được thí sinh hay không, nếu vậy các trường buộc phải tổ chức thi riêng. Nếu phân hóa được thì các trường vẫn có thể sử dụng kết quả đó.

Chẳng hạn như có thể xem kết quả thi THPT quốc gia mới chỉ là điều kiện sàng lọc ban đầu. Sau đó nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi khác gọn nhẹ để phân hóa, chọn tiếp những thí sinh phù hợp. Nhưng đây mới là ý tưởng, đến giờ ĐH Bách khoa Hà Nội chưa có bất cứ phương án cụ thể nào”, PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết.

Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT cần họp với các trường ĐH để cùng bàn về phương án cụ thể cho kỳ thi THPT quốc gia năm tới. Nếu đề thi vẫn có thể phân hóa thí sinh, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả này, nhưng nếu đề thi không phân hóa được thì các trường cần có thời gian để chuẩn bị những phương án khác./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích