Tiếng Việt | English

14/01/2016 - 09:42

Đậm đà hương vị bánh in Long Hựu

Người dân 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nếp. Đây là điều kiện để hình thành nhiều loại bánh mang đặc điểm vùng quê nông nghiệp như: Bánh xèo, bánh tráng nếp, bánh tráng khoai mì,… Trong đó, không thể không kể đến bánh in Long Hựu. Đó chính là sự kết hợp hài hòa của bột nếp rang, vị ngọt của quả chuối khô, vị cay nồng, ấm của gừng, vị béo của đậu phộng, mè,... tạo nên hương vị độc đáo cho nhân bánh.


Bánh in Long Hựu được giới thiệu tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp thương mại vùng ĐBSCL

Giữ gìn nghề truyền thống

Nghề làm bánh in ra đời vào đầu thế kỷ XIX, xuất phát từ nhu cầu của người dân địa phương mỗi dịp tết đến và dần trở thành nghề truyền thống của địa phương. Ngày xưa, tết mà thiếu chiếc bánh in trên bàn thờ tổ tiên thì mất hết hương vị ngày xuân. Vì vậy, tết về, nhà giàu thì làm bánh để dành ăn đến ra giêng, nhà nghèo thì làm cúng ba bữa tết.

“Bánh in ngày xưa được làm với nhiều công đoạn. Trước hết là rang nếp, xay thành bột mịn và trộn với đường tán được nấu chảy để làm vỏ bánh, chuối được phơi khô sấy thành sợi trộn chung với gừng xắt sợi rồi bắt đầu xào lên chảo với đường đến khi nặng tay thì trộn thêm mè và để nguội bỏ đậu phộng được rang vàng để làm nhân bánh,… Sau đó, người thợ dùng khuôn có khắc hình ảnh hoa văn rồng, phụng,… rất đẹp để tạo hình bánh. Vì vậy, khi chiếc bánh làm ra trên bề mặt của từng chiếc bánh in có đủ hoa văn làm tăng thêm vẻ đẹp tinh tế, hài hòa. Đó cũng là khát vọng đẹp đẽ của người dân ở một vùng quê giàu ý tưởng đã có tự bao đời”- Ông Trần Văn Tuất, ngụ ấp Trung, xã Long Hựu Đông có kinh nghiệm làm bánh lâu năm kể lại.

Ngày tết, bánh in được chưng cúng trên bàn thờ, được dùng ra đãi khách và làm quà tặng. Chị Võ Thị Muội, ngụ ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông chủ cơ sở Bánh in Oanh Muội nhận định: “Bánh in làm không chỉ để bán mà còn làm quà cho người thân. Nhồi bột bánh in bằng tay sẽ ngon hơn làm bằng máy. Ngoài ra, không vì quá đề cao lợi nhuận mà đánh mất uy tín của chiếc bánh in Long Hựu. Đây là một nghề truyền thống nên càng phải tôn trọng và giữ gìn. Từ đó, chúng ta mới giới thiệu được đặc sản của vùng quê Long Hựu đến các địa phương khác”.


Một công đoạn bỏ vào bao đóng gói

Từ lâu, bánh in đã trở thành đặc sản ở vùng quê Long Hựu. Ngày 17-12-2015, Sở Công Thương công bố quyết định của UBND tỉnh Long An về việc công nhận 4 nghề truyền thống tỉnh năm 2015, trong đó, có nghề làm bánh in Long Hựu Tây, nghề làm bánh in Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Đây là niềm vui và động lực để nghề làm bánh in truyền thống tiếp tục phát triển.

Làm nên thương hiệu

Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều không chỉ trong dịp tết mà cả ngày thường và làm quà cho những người con xa quê, người dân Long Hựu bắt đầu sản xuất để bán. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chiếc bánh in làm ra với các thao tác đơn giản và đỡ tốn chi phí. Hầu hết, nguyên liệu bột nếp đã mua từ TP.HCM, đường được làm sẵn, nên giảm đi một nửa công đoạn. Hiện nay, thợ làm bánh quan trọng nhất là làm nhân ngon, thơm, béo, nhồi bột cho dẻo,… theo khẩu vị của số đông.

Xã Long Hựu Tây có hơn 15 hộ gia đình thường xuyên làm bánh in truyền thống. Hằng ngày, một cơ sở cho ra thị trường từ 100-200 cái với giá 20.000 đồng/cây/5 cái. Nhân bánh cũng rất đa dạng với nhân thập cẩm, nhân đậu xanh,… Tháng 11 âm lịch, thị trường bánh in bắt đầu sôi động. Đa số người dân phải chuẩn bị nguyên liệu trước mới kịp cung ứng bánh cho thị trường tết.

Vào dịp tết, 1 cơ sở cung cấp mỗi ngày khoảng 1.000 chiếc bánh, khách đến tận nơi nhận hàng. Bà Lê Thị Hương Huệ, ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây, cho biết: “Đầu tháng 11 âm lịch, gia đình tôi phải mướn thêm nhân công mới làm đủ số lượng hàng giao cho khách và thời gian làm bánh kéo dài tới mùng 10 tháng giêng âm lịch. Dù làm với số lượng nhiều nhưng tôi vẫn không đẩy giá lên cao và bảo đảm tuyệt đối khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo tôi, uy tín, trách nhiệm và lòng tin của khách hàng về thương hiệu bánh in Long Hựu là quan trọng nhất”.

Với uy tín, chất lượng của Bánh in Long Hựu đã tạo nên một chỗ đứng tại các cuộc triển lãm như: Cần Thơ, TP.HCM, Đồng Tháp,… Tuy nhiên, đa số hộ dân ở 2 xã Long Hựu Tây và Long Hựu Đông còn sản xuất nhỏ lẻ chưa tập trung và đầu ra không ổn định. Để giải quyết một số vấn đề tồn tại, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hựu Tây- Võ Thị Hà cho biết: “ Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các hộ làm bánh tham gia vào Hợp tác xã Long Hựu; Hỗ trợ vốn, thị trường cho các cơ sở; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; Giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng,.. Đồng thời đào tạo nhiều lao động có tay nghề”.

Bánh in là loại thực phẩm truyền thống của người dân Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Dù là chiếc bánh đồng quê bình dị, dân dã nhưng bánh in Long Hựu có hương vị rất riêng, thích hợp với khẩu vị của nhiều người. Đây là món đặc sản và cũng là món quà quê hương, chắc chắn sẽ làm ấm lòng người thân hay những vị khách khi được đón nhận những miếng bánh in cùng ly trà ướp sen thơm ngát.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Tuấn Nhã cho biết:

“Chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình bánh in Long Hựu cho các hộ dân trên địa bàn để nắm được quy trình chế biến chiếc bánh in và thường xuyên mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở. Hợp tác các cơ sở chế biến bánh in để có thương hiệu chung và tạo điều kiện cho các cơ sở có điều kiện trao đổi kinh nghiệm để góp phần làm cho chiếc bánh mang đậm hương vị truyền thống của quê hương”.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết
  • Có tìm được đầu ra thì sẽ tìm được người đầu tư,đầu ra không có thì ai dám đầu tư mà hợp tác

    Minh tâm - Cách đây 7 năm


Liên kết hữu ích