Tiếng Việt | English

22/05/2018 - 03:00

Đám giỗ quê

Nhiều gia đình ở quê vẫn giữ được truyền thống gói bánh trước ngày đám giỗ

Nhiều gia đình ở quê vẫn giữ được truyền thống gói bánh trước ngày đám giỗ 

Đám giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ không chỉ là dịp để con cháu thể hiện đạo hiếu, hướng về nguồn cội mà đó còn là dịp để hàng xóm, láng giềng cùng tụ họp nấu nướng, ăn uống và trò chuyện, tâm tình,... Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của ông bà ta bao đời nay. Song, nhịp sống hối hả, nhiều gia đình không còn giữ được những nét đẹp truyền thống ấy.

Bà Huỳnh Thị Nhung (86 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết: “Thông thường, đám giỗ ở quê diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên hay còn gọi là ngày tiên thường, con cháu, bà con hàng xóm tụ họp cùng nhau gói bánh, chế biến thức ăn. Sau khi hoàn thành công việc, họ cùng ngồi lại uống trà, ăn bánh và kể cho nhau nghe chuyện làm ăn, gia đình hay cùng nhau hát hò rất vui vẻ. Ngày thứ 2 hay còn gọi là ngày chính giỗ, tờ mờ sáng, con cháu, bà con hàng xóm đến phụ gia đình chuẩn bị thức ăn, trà, bánh cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ”.

Ông Nguyễn Văn Đực (ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) nói: “Ngày xưa, nhà nào có đám giỗ lớn phải chuẩn bị trước 10 ngày từ khâu chọn nếp, rọc lá đến làm dưa chua, củ kiệu. Và trước 1 ngày, chủ nhà phải mượn bàn ghế, chén dĩa của những người xung quanh chuẩn bị đãi khách. Ngày nay, rạp, bàn ghế, chén dĩa có người cho thuê nên không cần phải mất nhiều thời gian. Nhà nào con cháu ít, không có thời gian thì mướn rạp hoặc đặt mâm sẵn. Riêng gia đình tôi dù ít người nhưng vẫn thích tự tay nấu nướng. Đặc biệt, đám giỗ nhà tôi phải có 2 món truyền thống là khổ qua hầm và thịt kho tàu”.

Cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ được xem là đạo hiếu. Ngoài ra, đây còn là dịp con cháu, hàng xóm cùng nhau trò chuyện, tâm tình. Vì vậy, những người hàng xóm và con cháu gia đình bà Nhung đi đám giỗ bằng những con gà, con vịt tự tay nuôi hay mớ trái cây trồng quanh nhà cũng rất chân tình. Bà Trần Thị Ân (ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cho rằng: “Đám giỗ ở quê, chẳng ai câu nệ chuyện quà ít tiền hay nhiều tiền mà chỉ quan tâm đến tình nghĩa. Ở quê, nhà nào đám giỗ là cả xóm cùng phụ, bởi vậy, ai có gì thì đem nấy, nhưng phải có mặt”.

Đám giỗ là dịp để con cháu, hàng xóm của gia đình bà Nhung đoàn tụ, chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện gia đình

Đám giỗ là dịp để con cháu, hàng xóm của gia đình bà Nhung đoàn tụ, chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện gia đình

Có thể nói, đám giỗ là dịp thắt chặt tình làng, nghĩa xóm và giúp chúng ta hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc. Song, trong nhịp sống hối hả và hiện đại, một số gia đình không còn giữ được truyền thống tốt đẹp đó. Bà Đỗ Thị Tư (ngụ phường 4, TP.Tân An) bộc bạch: “Vì nhà nhỏ, không có chỗ nấu nướng và con cháu đứa bận học, đứa bận đi làm, đến ngày đám giỗ ông bà cũng ít về nên tôi đặt mâm luôn cho tiện. Nhưng thấy cũng buồn, vì một năm, nhà tôi chỉ có cái đám giỗ mà con cháu lại không về đầy đủ, còn bà con chỉ đến một chút rồi về, ít có thời gian ngồi lại tâm sự, trò chuyện”.

Nhịp sống hối hả, nhiều người bị xoáy vào guồng quay của công việc nên đánh mất đi ý nghĩa thiêng liêng của đám giỗ. Hơn ai hết, mỗi chúng ta, mỗi gia đình hãy dành một khoảng thời gian để gìn giữ những nét đẹp truyền thống của ông bà ta bao đời nay, từ đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết