Tiếng Việt | English

21/10/2016 - 19:23

Dân Đồng Tháp Mười mong ngập lũ được lâu hơn  

Hiện tại mực nước lũ trên các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh… cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 50cm và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống

Với mực nước như thế cũng đã tạo điều kiện cho người dân nghèo có cuộc sống mưu sinh, nhiều diện tích đất ngập sâu bổ sung lượng phù sa đáng kể cho đồng ruộng.

Ngoài canh tác 2 vụ lúa trong năm thì vào mùa nước lũ hầu như nhà nào cũng sắm cho mình tay lưới, luồng câu, cái lọp để đánh bắt cá cải thiện bữa ăn và đem bán tăng thu nhập gia đình. Mặc dù lượng cá mùa lũ giảm dần theo hàng năm, tuy nhiên mực nước lũ năm nay ở mức cao nên nhiều hộ dân, nhất là những hộ dân nghèo có thêm thu nhập từ đánh bắt cá.

Ông Trần Thanh Tâm quê Đồng Tháp sang đánh bắt cá mùa lũ

Cặp theo Đường tỉnh 819 đoạn xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, gặp ông Trần Thanh Tâm, ông cho biết: Quê ở tỉnh Đồng Tháp, mỗi năm khi lũ về ông sang địa bàn huyện Mộc Hóa để đánh bắt cá, hiện lượng cá không nhiều, tuy vậy hằng ngày ông cũng kiếm được khoảng 5 kg cá, cua đủ tạm sống qua ngày.

Mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hữu kiếm được 150 đến 200 ngàn đồng tiền cá

Còn anh Nguyễn Văn Hữu, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng nhà không ruộng đất, đã hơn 10 năm nay vào mùa vụ thì đi làm mướn làm thuê, lũ về lại quay sang giăng lưới, giăng câu. “Vào thời gian này những năm trước cá nhiều, mỗi ngày kiếm được từ 300 đến 400 ngàn, năm nay lũ có về ở mức cao nhưng lượng cá giảm đáng kể, mỗi ngày, đêm tôi kiếm được khoảng 3 đến 5kg cá, sau khi trừ chi phí được khoảng 150 đến 200 ngàn đồng” anh Nguyễn Văn Hữu nói.

Hơn nữa, lũ về còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn từ việc bồi đắp phù sa, diệt côn trùng, chuột bọ gây hại cho mùa màng.

Cá tập kết về chợ mỗi sáng

Anh Trần Văn Lẫu, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng cho biết, hiện tại trong 9ha đất của gia đình nước lũ đã vào ruộng được gần 4 ha với độ sâu từ 30 đến 40cm, hy vọng nước về nhiều hơn, thời gian ngâm lũ lâu hơn để đất nhận được nhiều phù sa, sâu rầy được cuốn trôi, giảm chi phí trong sản xuất vụ mùa tiếp theo.
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải cho biết, hiện hầu hết các diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện này nước lũ đã ngập đến, những vùng trũng, thấp nước ngập sâu cũng hơn 1,5m, vùng gò cao từ 30 đến 50cm.

 Cày trục đất ngâm lũ.

“Để chủ động hạn chế thấp nhất thiệt hại trong vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2016-2017, ngành cũng đã tham mưu UBND huyện có công văn chỉ đạo tập trung cho sản xuất vụ Đông Xuân và có lịch gieo sạ, cụ thể đợt 1 từ ngày 18 đến 28/10, đợt 2 từ ngày 15 đến 25/11, đợt 3 từ ngày 13 đến 23/12. Tuy nhiên, trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, lũ còn kéo dài, ngành cũng khuyến cáo nông dân cần vệ sinh đồng ruộng tập trung gieo sạ vào đợt 2 để tránh thiệt hại cũng như kịp thời vụ cho vụ lúa tiếp theo” - ông Nguyễn Huỳnh Hải cho biết thêm./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết