Tiếng Việt | English

24/12/2019 - 19:45

Đằng sau tấm Huy chương Vàng

Người hâm mộ cả nước nức lòng với những tấm Huy chương Vàng (HCV) đem về từ SEA Games 30 của Đoàn Thể thao Việt Nam nhưng ít ai biết đằng sau đó là biết bao nỗ lực và cả hy sinh của các vận động viên (VĐV) và gia đình họ.

Người thân đến thăm và chung vui với gia đình Triệu sau khi hay tin anh đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games 30
Người thân đến thăm và chung vui với gia đình Triệu sau khi hay tin anh đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games 30

Những giọt nước mắt lặng thầm 

Những ngày này, căn nhà nhỏ của VĐV Trần Tấn Triệu ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành vui hơn hẳn khi người thân, hàng xóm thường xuyên lui tới hỏi thăm. Tin Triệu mang “vàng” về từ SEA Games 30 làm nức lòng người thân, dòng họ. Cha của VĐV Tấn Triệu - ông Trần Tấn Lực kể: “Hôm Triệu nhận HCV, cả họ ai cũng mừng. Anh em họ của Triệu cứ gọi điện thoại hỏi thăm, chúc mừng suốt. Mấy đứa còn đòi mở tiệc mừng trong dòng họ nữa chứ!”. 

Tại SEA Games 30, Đoàn Thể thao Long An có 4 VĐV bơi lội tham gia nhưng chỉ có mình Triệu giành được HCV ở hạng mục bơi 10km trên biển. Hôm hay tin, cả nhà Triệu mừng đến mất ngủ!

Thành tích đó là kết quả quá trình tập luyện kỳ công của Triệu. Người quan tâm đến thể thao chỉ biết một VĐV trẻ vừa đoạt HCV tại đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á; ít ai biết, đó là kết quả những năm tháng tập luyện miệt mài. Triệu rời nhà học tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh (TTHL&TĐTT) từ năm 9 tuổi. Nhớ lại những ngày đó, ông Lực bồi hồi: “Tôi với mẹ Triệu đi ghe, mỗi tháng về 1 lần. Triệu và các chị ở nhà với ông bà nội. Lần đó, khi vợ chồng tôi về thì ông nội cho hay đã đồng ý để Triệu theo học bơi tại TTHL&TĐTT tỉnh. Nhớ con, vợ tôi khóc nhiều nhưng con đã chọn và đi rồi nên chúng tôi không đành lòng ngăn cản”. 

Là con trai vùng sông nước, sớm theo cha mẹ lênh đênh trên những chuyến ghe buôn dài ngày nên mới 3 tuổi, Triệu đã biết bơi. Mỗi chiều, ghe dừng ở khúc sông nào thì nơi đó trở thành địa điểm tập bơi của Triệu. Lên 5 tuổi, Triệu đã bơi thành thạo, chinh phục không biết bao nhiêu khúc sông từ Long An tới Cần Thơ. Đến tuổi đi học, Triệu về ở với ông bà nội. Với lợi thế biết bơi và chiều cao vượt trội so với các bạn cùng trang lứa, Triệu được huấn luyện viên tại TTHL&TĐTT tỉnh chú ý. “Các thầy cô xuống trường, thấy Triệu có tiềm năng nên tìm đến nhà thuyết phục ông nội cho Triệu theo học tại trường. Thấy Triệu cũng ham thích nên ông nội đồng ý. Rồi nó đi tới bây giờ” - ông Lực kể. 

Cậu bé 9 tuổi lần đầu xa gia đình làm sao tránh khỏi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhưng Triệu cứ “cắn răng”, tập trung tập luyện. Mẹ Triệu - bà Võ Thị Thủy kể: “Hồi đó, con mới đi, cứ tối về là tôi nhớ con, khóc miết. Mỗi lần lên thăm con về là khóc. Triệu cũng vậy, cuối tuần được về thăm nhà, lúc đi là nó khóc, nước mắt ngắn dài. Nhìn con vừa lủi thủi ra xe, vừa gạt nước mắt mà tôi xót xa như đứt từng đoạn ruột”. Triệu là người kín tiếng. Suốt 10 năm tập luyện, vất vả, mệt mỏi có thừa nhưng chưa từng than thở cùng cha mẹ. Ông Lực nói: “Tui biết nó tập cực lắm chứ, mùa này nước lạnh buốt, mình nhúng tay vô nước còn sợ mà nó phải bơi dưới hồ. Bàn tay nó chai sần hết, bơi riết mình mẩy ê ẩm nhưng nó không có kể cho tui với mẹ nó nghe. Nó chỉ kể cho anh họ nghe thôi. Mỗi lần về nhà, Triệu chỉ mang huy chương về, chứ có bao giờ kể nó phải cực cỡ nào để có được cái huy chương đó đâu”. 

Khi ông Lực nhắc đến huy chương, chúng tôi mới chú ý đến tủ trưng bày huy chương tại nhà Triệu, cả trăm tấm HCV, Bạc, Đồng ở các giải đấu trong và ngoài nước được trưng bày ngay ngắn, kèm theo đó là bằng khen của UBND tỉnh. Đó là niềm tự hào của gia đình, chút bù đắp nhỏ nhoi cho cha mẹ Triệu khi để đứa con trai duy nhất rời nhà theo sự nghiệp bơi lội từ thuở bé. Đến bây giờ, Triệu vẫn mải miết với đường đua xanh, những giải đấu trong và ngoài nước. Mỗi năm, anh về nhà được vài lần, mỗi lần vỏn vẹn vài ngày. Triệu dành hết những ngày đó đi thăm người thân và ở nhà với mẹ. Sau thành công lớn từ SEA Games 30, gia đình đang mong Triệu về để cùng anh chia sẻ niềm vui.

Gia đình vừa là hậu phương, vừa là động lực cho Kim Thanh (Trong ảnh: Cha của Kim Thanh với quả bóng con gái mang về từ SEA Games 29)

Gia đình vừa là hậu phương, vừa là động lực cho Kim Thanh (Trong ảnh: Cha của Kim Thanh với quả bóng con gái mang về từ SEA Games 29)

Ước mong về căn nhà mới cho ba mẹ

Cũng như Triệu, thủ môn Trần Thị Kim Thanh của Đội Bóng đá nữ Việt Nam đã cùng đồng đội mang “vàng” về từ SEA Games 30. Đây là lần thứ hai cô thủ môn quê xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa chạm tay vào HCV SEA Games. Vừa tới TP.HCM, Kim Thanh vội vã về thăm nhà. Dù chỉ đôi ngày nhưng đủ để Thanh dọn dẹp nhà, đi chợ nấu cho cha mẹ bữa cơm ngon và thăm người thầy cũ. Kim Thanh là vậy, trên sân cỏ cô là "lá chắn thép" vững vàng, nỗi e ngại của đối thủ, nhưng về nhà, Thanh là cô gái hiếu thảo, giàu tình cảm. 

Nói đến con gái mình, ông Trần Văn Minh xúc động: “Nó có hiếu lắm, biết lo cho gia đình, cha mẹ. Từ ngày còn nhỏ, Thanh đã biết đi làm phụ giúp nhà, một buổi đi học, một buổi đi hái đậu, bẻ bắp thuê. 

Giờ cũng vậy, về là nó đi chợ, nấu ăn, mua thứ này, thứ kia để ở nhà cho cha mẹ”. Ông Minh kể, ngày trước, gia đình rất khó khăn, không có đất sản xuất, ông bà chủ yếu làm thuê nuôi 3 con ăn học. Kim Thanh lúc đó dù còn nhỏ nhưng sớm nhận thức được hoàn cảnh gia đình, cô cố gắng làm mọi việc có thể đỡ đần cha mẹ. Quyết định theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp một phần xuất phát từ mong muốn đỡ phần gánh nặng cho gia đình. Ông Minh nhớ mãi câu nói của Kim Thanh năm cô 14 tuổi: “Cha mẹ cho con đi để con phụ nhà!”. Thế là từ đó, Kim Thanh chính thức xa nhà, theo sự nghiệp "quần đùi áo số". 

Nói vậy không có nghĩa gia cảnh khó khăn là nguyên nhân chính đưa Kim Thanh đến với bóng đá. Chính niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng tròn mới là động lực to lớn thúc đẩy Kim Thanh chọn trở thành cầu thủ. Ông Minh kể, ngày nhỏ, hễ xong hết việc nhà, việc học là Kim Thanh ôm vội trái bóng đi vòng xóm rủ các bạn trai đá. Kim Thanh mê đá bóng tới nỗi ở nhà thấy vắng Thanh cứ tới sân bóng trong xóm tìm thì sẽ gặp. Trên sân, dù chỉ có mình Kim Thanh là con gái cô cũng không ngần ngại. Bởi, được chơi cùng trái bóng tròn là niềm hạnh phúc của Kim Thanh. Thấy con gái cứ suốt ngày theo bạn trai đá bóng, mẹ Kim Thanh lúc đó không một chút yên tâm. Bà rầy la, ngăn cản con gái “Vì sao cứ thích cái trò “của con trai”?”. Nhưng rồi, khi thấy Kim Thanh hừng hực quyết tâm, bà không ngăn cản nữa mà chỉ khóc thầm trong những ngày đầu con gái xa nhà. 

Từ đó đến nay, Kim Thanh luôn nỗ lực thi đấu hết sức mình vì đam mê và một điều mong mỏi rất riêng tư. Ngồi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ông Minh nói: “Ước mơ lớn nhất của con Thanh bây giờ là sửa lại cái nhà. Nó cứ nói hoài là đang để dành, để sửa nhà cho cha mẹ. Nhưng tui biết, Thanh vất vả lắm, lương cầu thủ như nó bây giờ cũng bằng lương công nhân, nó sống tằn tiện, chẳng mua sắm gì cho mình. Năm tham gia SEA Games 29 đạt HCV, được mạnh thường quân tặng chiếc tivi nó cũng mang về nhà cho cha mẹ coi nó đá banh”. Kim Thanh biết, ở nhà hầu như chẳng bỏ lỡ trận đấu nào của cô. Nếu các đài truyền hình không phát, gia đình sẽ tìm xem trên Internet. 

Dù sống xa nhà nhưng Kim Thanh luôn có sự gắn kết với gia đình, cô gọi điện thoại về nhà hầu như mỗi ngày. Cô tặng cha mẹ chiếc điện thoại cảm ứng để tiện việc gọi video hàng đêm. Dù đi thi đấu bất cứ đâu, cứ kết thúc trận là Kim Thanh tranh thủ gọi về nhà một chút. Ngoài huấn luyện viên, cha mẹ Kim Thanh là người nắm rõ nhất lịch thi đấu của cô và đồng đội vì mỗi chuyến đi, cô đều gọi thông báo với gia đình, như một thói quen. Những cuộc điện thoại ngắn “cha mẹ ơi, con tới rồi!” là điều hết sức bình thường, quen thuộc với Kim Thanh và gia đình. 

Với cô gái ấy, gia đình chính là động lực lớn nhất, bên cạnh đam mê, để cô nỗ lực thi đấu hết mình. Và ngược lại, với gia đình, Kim Thanh là tình yêu, niềm tự hào. Mặc dù căn nhà nhỏ, đơn sơ nhưng luôn có một góc trang trọng ở phòng khách trưng bày thành tích, hình ảnh của Kim Thanh. Dãy huy chương treo trên tường, phía dưới các bằng khen của UBND quận, thành phố và cả Thủ tướng Chính phủ dành cho nữ thủ môn xuất sắc Kim Thanh. Quả bóng Kim Thanh mang về từ SEA Games 29 được đặt trang trọng trong tủ kính giữa nhà. 

Ngày chúng tôi đến thăm, Kim Thanh vừa trở về câu lạc bộ sau chuyến thăm nhà ngắn ngủi. Sau khi được “tiếp lửa” từ gia đình, Kim Thanh trở về với sân bóng cùng dư âm niềm vui chiến thắng, khát khao cháy bỏng được thi đấu hết mình và ước mong về căn nhà mới cho cha mẹ ở quê.

Vận động viên Trần Tấn Triệu (SN 1999) đoạt Huy chương Vàng SEA Games 30 ở đường bơi 10km trên biển với thành tích 1 giờ 53 phút 31 giây. Đây là lần đầu tiên Long An có vận động viên tham dự đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games.

Trần Thị Kim Thanh (SN 1993) là thủ môn Câu lạc bộ Bóng đá nữ TP.HCM. Chị đã xuất sắc cùng đồng đội giành Huy chương Vàng bóng đá nữ tại SEA Games 30. Tại các trận đấu, Kim Thanh thi đấu xuất sắc, được mệnh danh là “lá chắn thép” của đội tuyển nữ Việt Nam. Chị là người góp công lớn vào thành công của đội tuyển tại SEA Games 30 lần này.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết