Tiếng Việt | English

10/10/2017 - 11:02

Đảng ta phải thực hiện tốt lời căn dặn của Bác

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một bản Di chúc vô cùng quý báu, trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, trong một đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ, Bác dùng đến 4 chữ “thật”. Chúng ta biết, trong cách nói, cách viết, Bác không bao giờ dùng câu thừa, chữ thừa. Thế nhưng, những chữ thật được lặp đi, lặp lại ở đây không những không thừa mà lại chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Ở bài viết này xin bàn đến chữ “thật” thứ ba và thứ tư: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chữ thật thứ ba: phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch

Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đưa cách mạng nước ta thắng lợi. Vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ được giữ vững và phát huy khi Đảng phải luôn trong sạch, vững mạnh. Để giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, Đảng ta phải thực hiện tốt phương châm: Chặt chẽ “đầu vào”, nâng cao chất lượng “đảng viên (ĐV) hiện tại” và chính xác “đầu ra”.

Thứ nhất, phải chặt chẽ “đầu vào”: Kết nạp vào Đảng phải thật sự là quần chúng ưu tú, những người tiên phong gương mẫu.

Kết nạp ĐV giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng ĐV nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung. Vì vậy, cần phải tiến hành công phu, đúng nguyên tắc với nhiệt tình, trách nhiệm rất cao của tổ chức Đảng, các đoàn thể và sự đóng góp của nhân dân. Vì vậy, các chi, đảng bộ phải phát động phong trào bồi dưỡng, lựa chọn người ưu tú thật sự. Từ phong trào quần chúng, tổ chức Đảng, ĐV “chọn mặt gửi vàng” những quần chúng ưu tú, tuyên truyền cho quần chúng con đường đi đến tổ chức Đảng, định hướng động cơ vào Đảng đúng đắn cho quần chúng ngay từ khâu chọn người, tuyên truyền, giáo dục quần chúng vào Đảng.

Mặt khác, phải xét duyệt đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc, đúng trình tự, thủ tục. Người vào Đảng phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc và thủ tục như Điều lệ Đảng quy định và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Việc này tưởng như đương nhiên của tổ chức Đảng và ĐV, nhưng trên thực tế, công tác phát triển Đảng vừa qua không hoàn toàn được như thế. Có tổ chức Đảng chạy theo chỉ tiêu, chạy theo thành tích mà kết nạp ĐV chiếu lệ, cảm giác thấy quần chúng “được được” là kết nạp. Người vào Đảng phải hoàn toàn tự nguyện, có những quần chúng rất tốt, tiêu biểu, nhưng họ chưa nhận thức được sự cần thiết hoặc chưa tha thiết đứng trong hàng ngũ Đảng thì cũng không nên cố nài ép, tạo suy nghĩ “tổ chức Đảng cần mình”. Phải đặc biệt quan tâm đến việc khai báo lý lịch của người xin vào Đảng, trước khi chuẩn y, ngoài việc xem xét thủ tục, nguyên tắc, hồ sơ, cấp ủy cấp trên cần có sự thẩm tra kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, không xem đây chỉ là công việc đơn thuần “đảng vụ”. Trong tình hình hiện nay, cần cảnh giác với việc kết nạp ĐV vì dòng họ, địa phương, bè cánh để “thêm phiếu” cho mình.

Thứ hai, nâng cao chất lượng ĐV hiện tại: Đảng ta phải giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ ĐV.

Công tác phát triển Đảng rất quan trọng, nhưng công việc quan trọng và cơ bản nhất vẫn là nâng cao chất lượng ĐV hiện tại. Công việc này phải làm đồng bộ, đạt hiệu quả cao mới tạo bước trưởng thành mới trong năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Được kết nạp vào Đảng rồi trở thành ĐV chính thức là khởi đầu một quá trình phấn đấu, rèn luyện để giữ vững và nêu cao vai trò người ĐV. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta viết lên trán chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức,... làm mực thước cho người ta bắt chước” (1).
Phương châm, yêu cầu của sự phấn đấu là giữ vững, tự khẳng định tư cách người cộng sản của mình và không ngừng vượt lên chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy rằng: “Tất cả ĐV, cán bộ và chi bộ cần phải thường xuyên ôn lại, tự liên hệ và giữ cho đúng những tiêu chuẩn của người ĐV” (2), coi đó là cách tốt nhất để xứng đáng với danh hiệu người cộng sản. Vì tiêu chuẩn ĐV không ngừng nâng cao, nên “giữ cho đúng”, thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn ĐV theo quy định của Điều lệ Đảng là nhiệm vụ bắt buộc, cũng là chuẩn mực để từng ĐV phấn đấu.

Nhưng thực tế hiện nay, “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (CBĐV) chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số ít CBĐV bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước” (3). Một bộ phận đó đã làm ảnh hưởng thanh danh của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, để giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải giáo dục, rèn luyện, quản lý ĐV thật đúng mức, để trong Đảng chỉ còn những người tiên phong, gương mẫu thật sự.

Thứ ba, chính xác “đầu ra”: Phải đưa ra khỏi Đảng những người ĐV thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách ĐV.

Đưa ra khỏi Đảng đúng người, đúng lúc, đúng lỗi cũng là biện pháp cực kỳ quan trọng trong các biện pháp nâng cao chất lượng ĐV và xây dựng Đảng, làm trong sạch Đảng. Là một cơ thể sống, tổ chức Đảng, đội ngũ ĐV chỉ có thể phát triển “lành mạnh, cường tráng” khi nó được tăng cường nguồn sinh lực mới và loại trừ cặn bã, những tế bào đã chết, bệnh hoạn. Đảng ta phải thường xuyên rà soát đội ngũ, kịp thời phát hiện những triệu chứng “nung bệnh”, “ủ bệnh” để tìm cách cứu chữa, khi không chữa được, đã biểu hiện thật sự thoái hóa, biến chất thì kiên quyết cắt bỏ. Phải phát hiện ngay những ĐV đang ở trạng thái “trung bình chủ nghĩa”, không cần khen, miễn sao không bị chê, cơ hội, có biểu hiện tư tưởng, bè phái, cục bộ địa phương, mất đoàn kết. Sáng suốt, tỉnh táo với sự lừa dối, báo cáo sai, xu nịnh để luồn sâu, leo cao, gạt bỏ những người trung thực, người tốt, có trình độ... Bằng mọi biện pháp tinh tường để phát hiện, lôi ra ánh sáng những hành vi cơ hội về chính trị và về tổ chức, tham nhũng, lợi dụng chức quyền, mất dân chủ, sợ công khai, sợ tố cáo, ăn chơi xa xỉ, dùng “tiền tham nhũng” mua chuộc cấp trên, kéo bè cánh, tự hạ thấp mình dưới mức người dân bình thường. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những ĐV không còn đủ tư cách cần phải chính xác, đúng đối tượng. Nếu không chính xác, rất dễ mắc mưu những kẻ cơ hội lợi dụng việc này để loại trừ những người trung kiên, tích cực, đưa những kẻ cơ hội, đáng lẽ phải loại trừ, thay vào vị trí của người tốt.

Chữ thật thứ tư: phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Lãnh đạo là sự định hướng, gây ảnh hưởng, tạo dựng niềm tin, thuyết phục người khác để họ đồng thuận với người lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, hướng tới mục tiêu nhất định. Lãnh đạo tạo hiệu ứng điều khiển, dẫn dắt người khác dựa trên cơ chế nhận thức, niềm tin, tiêu chuẩn đạo đức, lý tưởng... mà không mang tính cưỡng bức đối với người khác. Đảng lãnh đạo quần chúng bằng sự đúng đắn trong các đường lối, chủ trương; phương pháp lãnh đạo là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, bằng vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ CBĐV trước quần chúng nhân dân. Để xứng đáng là người lãnh đạo, CBĐV phải có kỹ năng đủ để thuyết phục quần chúng tin vào những điều họ tin và phải có đủ uy tín, sự tin cậy đối với quần chúng để họ tự nguyện trao quyền lãnh đạo cho mình. Theo Bác “khi quần chúng thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo” (4).

Với vị trí là người lãnh đạo, trước tiên CBĐV phải thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và định hướng cho nhân dân thực hiện đúng theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, CBĐV phải là tấm gương trước quần chúng nhân dân. Thực tế cho thấy, để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, một mặt, đường lối, chủ trương đó phải đúng, mặt khác, phải có một đội ngũ CBĐV nắm vững và hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách đó để giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện.

Mỗi CB, ĐV cần phải nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ bằng cách tích cực nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực học tập nghị quyết của Đảng. Mặt khác, mỗi CB, ĐV phải nêu gương trước nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, CB, ĐV phải đúng như những nhìn nhận, suy tôn và khen ngợi đúng mức, chân tình của quần chúng nhân dân “ĐV đi trước, làng nước theo sau”, phải là người “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân và của dân tộc. Trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, nhân dân trở thành người làm chủ đất nước. Do vậy, Đảng phục vụ nhân dân tức là làm đày tớ nhân dân. Theo Bác, người “đày tớ” tức là người phục vụ chung cho xã hội, người đại diện quyền lực của nhân dân để điều hành và quản lý xã hội, nhận sự ủy thác của nhân dân để phục vụ, chăm lo đến cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân. Với Bác: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi” (5).

Để xứng đáng là người “đày tớ” thật trung thành của nhân dân, mỗi CB, ĐV tích cực rèn luyện, học tập, làm theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Bác. Đặc biệt, phải xây dựng tinh thần trách nhiệm gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân. Mỗi CB, ĐV phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải làm việc hết trách nhiệm, phải tích cực, tự giác hoàn thành tốt mọi công việc được giao, phải đưa cả tinh thần và lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm có kết quả cao nhất từ việc nhỏ đến việc to, việc dễ đến khó, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,... Phải nghiên cứu, tìm hiểu, nắm vững chủ trương, chích sách của Đảng, Nhà nước và của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời phải đi sâu tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, hướng dẫn, động viên quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách ấy một cách có hiệu quả cao nhất. Thường xuyên vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức: Việc nhân dân tham gia đóng góp ý cho các tổ chức Đảng, chính quyền với tinh thần xây dựng, tham gia kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, chính quyền, CB, ĐV; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở;...

Song song với xây dựng tinh thần trách nhiệm, mỗi CB, ĐV phải chống chủ nghĩa cá nhân. Cụ thể, phải chống được các bệnh mà CB, ĐV đang mắc phải và có thể sẽ mắc phải: Bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kêu ngạo; bệnh hiếu banh; bệnh hữu danh vô thực (làm ít nhưng báo cáo, khoe công thì nhiều); bệnh cận thị (chỉ thấy cái nhỏ, cái vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Xây dựng tinh thần trách nhiệm đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân là một yêu cầu bức thiết mà mỗi CB, công chức phải nghiêm túc thực hiện, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”./.

Thạc sĩ Đoàn Văn Xê (Trường Chính trị Long An)

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, 2002, t 5, tr 552.
(2) Hồ Chí Minh, Về tư cách người đảng viên cộng sản,Nxb ST, HN, tr 64.
(3) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XII.
(4) Sđd, t 3 tr 139.
(5) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 7, tr 572.

Chia sẻ bài viết