Tiếng Việt | English

18/05/2018 - 13:52

Đánh giá năng suất và chất lượng các giống lúa khảo nghiệm

Long An là một trong những tỉnh sản xuất lúa và xuất khẩu gạo lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nhiều vùng đất canh tác lúa của tỉnh lại nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi phèn rất nặng (túi phèn). Vài năm gần đây, địa phương gặp trở ngại hơn trong sản xuất lúa gạo do nhiều nguyên nhân tác động. Trong đó, biến đổi khí hậu gây bất lợi cho cây lúa và làm giảm năng suất một cách đáng kể. Bên cạnh ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, cơ cấu giống chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến gieo sạ không đồng bộ, làm gia tăng sâu bệnh hại, giảm năng suất. Vì vậy, nhu cầu sử dụng giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu tốt với điều kiện canh tác bất lợi của nông dân rất lớn.

Quang cảnh hội nghị đánh giá năng suất và chất lượng các giống lúa khảo nghiệm

Quang cảnh hội nghị đánh giá năng suất và chất lượng các giống lúa khảo nghiệm

Khảo nghiệm giống lúa ở các vùng sinh thái

8 giống lúa triển vọng (OM341, OM342, OM344, OM3673, OM8108, OM10258, OM10418 và OM90L) và 2 giống lúa đối chứng (IR64-sub1 và IR50404) được khảo nghiệm.

Trong vụ Đông Xuân 2016-2017, 10 giống lúa được khảo nghiệm tại 5 vùng sinh thái khác nhau: Tân Trụ, Bến Lức, Tân Thạnh, Kiến Tường và Đức Huệ. Trong đó, Tân Trụ và Bến Lức là 2 điểm thường bị ảnh hưởng bởi khô hạn, phèn nhẹ và xâm nhập mặn (trung bình 2-3‰, có thời điểm mặn lên đến 4-5‰, đặc biệt vào mùa khô). Các điểm như Tân Thạnh, Kiến Tường và Đức Huệ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khô hạn và phèn nặng của vùng Đồng Tháp Mười.

Về các đặc tính nông học và sâu bệnh hại chính, dữ liệu ghi nhận ở 5 điểm khảo nghiệm cho thấy: Thời gian sinh trưởng dao động từ 90-100 ngày. Giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn nhất là IR50404 (88-92 ngày). Thời gian sinh trưởng này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu mùa vụ của tỉnh. Chiều cao cây dao động từ 90-115cm, các giống lúa tương đối thấp cây: OM3673, OM10418 và IR50404. Độ cứng cây, đa số các giống khá đến rất cứng cây (cấp 1) trong vụ này. Các giống chống chịu khá tốt với rầy nâu và đạo ôn. Đối với rầy nâu, OM344, OM3673 và IR50404 biểu hiện hơi nhiễm, còn lại các giống kháng tốt. Về đạo ôn, các giống hơi nhiễm cần chú ý là OM341, OM344 và IR50404.

Năng suất của các giống biến động theo từng địa điểm, có những giống lúa cho năng suất rất cao tại điểm này nhưng lại thấp ở điểm khác. Tuy nhiên, có những giống lúa cho năng suất ổn định tại nhiều điểm khảo nghiệm. Tại Tân Trụ, các giống có năng suất trên 8 tấn/ha là OM10418, OM90L và OM344. So với giống đối chứng (IR50404), các giống này đều cho năng suất vượt trội hơn. Tại Bến Lức, các giống có năng suất cao nhất: OM3673 (9,22 tấn/ha), OM344 (8,78 tấn/ha), OM341 (8,11 tấn/ha) và OM90L (8,00 tấn/ha). Điều này cho thấy, những giống lúa này thích hợp với môi trường canh tác ở Bến Lức. Tại Tân Thạnh, điểm chịu ảnh hưởng phèn rất nặng nên năng suất thấp hơn các điểm khác. Các giống có năng suất cao nhất là OM344, OM8108, OM3673 và OM90L. Tại Kiến Tường, so với giống đối chứng (IR50404), hầu hết các giống lúa đều đạt năng suất cao hơn. Giống có năng suất cao nhất là OM3673 (7,20 tấn/ha). Tại Đức Huệ, giống có năng suất cao nhất là OM3673 (8,20 tấn/ha), OM10258 (8,17 tấn/ha), OM341 (8,13 tấn/ha) và OM342 (8,03 tấn/ha).

Như vậy, trong vụ Đông Xuân 2016-2017, năng suất trung bình của các giống đạt khá cao, hầu hết trên 7 tấn/ha, có nơi đạt trên 8 tấn/ha. Trong đó, năng suất trung bình của OM3673 đạt cao nhất (7,71 tấn/ha), kế đến là OM344 (7,68 tấn/ha) và OM8108 (7,36 tấn/ha). Đây là các giống có tiềm năng về năng suất và thích nghi tốt với điều kiện canh tác của Long An trong vụ Đông Xuân.

Đánh giá các đặc tính nông học và sâu bệnh hại của các giống lúa trong vụ Hè Thu 2017 cho thấy: Thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với vụ Đông Xuân 2016-2017, dao động trung bình trong khoảng từ 88-95 ngày, các giống: OM8108, OM3673 và IR50404 có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày, trong khi đó, các giống còn lại có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày. Chiều cao cây dao động từ 95-115cm, không có sự khác biệt nhiều so với vụ Đông Xuân. Với chiều cao được ghi nhận, các giống hoàn toàn phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Độ cứng cây trong vụ này các giống cũng khá cứng cây và chưa ghi nhận hiện tượng đổ ngã. Trong vụ Hè Thu 2017, phản ứng của cây lúa với rầy nâu và đạo ôn mẫn cảm hơn so với vụ Đông Xuân 2016-2017. Tuy nhiên, nhìn chung, các giống chống chịu khá tốt. Các giống hơi nhiễm rầy nâu: IR50404, IR64-sub1, OM90L và OM344. Các giống hơi nhiễm đạo ôn: IR50404, IR64-sub1, OM90L, OM341 và OM344. Các giống còn lại chống chịu khá tốt.

Về năng suất, các giống có sự thích nghi và năng suất trung bình khác nhau. Hầu hết các giống lúa đều đạt năng suất cao hơn giống đối chứng (IR50404). Kết quả cụ thể: Tại Tân Trụ, so với vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu có sự biến động về năng suất, giống OM10258 vươn lên đứng đầu về năng suất (7,07 tấn/ha), kế đến là OM3673 (6,2 tấn/ha) và OM342 (5,87 tấn/ha). Tại Bến Lức, năng suất của các giống có sự khác biệt rõ rệt. Các giống có năng suất cao nhất: OM3673 (7,00 tấn/ha), OM10258 (6,58 tấn/ha), OM10418 (6,53 tấn/ha) và OM344 (6,52 tấn/ha). Tại Kiến Tường, các giống có năng suất cao nhất bao gồm: OM10258, OM3673, OM8108 (>6,5 tấn/ha). Các giống này có năng suất cao hơn so với IR50404 (5,5 tấn/ha).

Qua khảo nghiệm năng suất của 10 giống lúa triển vọng tại 3 vùng sinh thái của Long An, năng suất trung bình của các giống biến động tùy theo vùng địa lý và sự khác biệt giữa các giống với nhau. So với vụ Đông Xuân, trong vụ Hè Thu, các giống cho năng suất kém hơn vì nguyên nhân thời tiết và sâu, bệnh. Các giống có năng suất trung bình cao nhất là OM10258 (6,82 tấn/ha), OM3673 (6,67 tấn/ha), OM344 (6,14 tấn/ha) và OM8108 (6,13 tấn/ha). Đây là các giống có tiềm năng phát triển trên diện rộng trong vụ Hè Thu.

Phẩm chất của các giống khảo nghiệm

Kết quả đánh giá phẩm chất xay chà qua vụ Đông Xuân 2016-2017 và Hè Thu 2017 cho thấy, hầu hết các giống đều có chiều dài hạt trên dưới 7mm, rộng hạt dao động 3,0mm. Hình dạng hạt thuộc loại indica, thuộc kích cỡ trung bình đến dài. Với dạng hình hạt như thế này hoàn toàn phù hợp cho thương mại.

Các hoạt động đánh giá các chỉ tiêu phẩm chất trên lúa

Các hoạt động đánh giá các chỉ tiêu phẩm chất trên lúa

Các giống có tỷ lệ gạo lức khá cao (trên 75% trong vụ Đông Xuân và trên 60% trong vụ Hè Thu), tỷ lệ gạo nguyên khá (trên 45% ở cả hai vụ), tỷ lệ gạo tấm tương đối thấp. Các giống có tỷ lệ gạo nguyên lý tưởng là OM344, OM10258, OM342, OM90L. Về chất lượng ngon dẻo của hạt cơm, hàm lượng amylose là chỉ tiêu chính quyết định chất lượng gạo. Các giống hầu như cho chất lượng tốt. Hàm lượng amylose dao động từ 16-24% (trừ IR50404). Các giống có hàm lượng amylose thấp (cơm dẻo) nhất là OM344 (16-18%), OM10258 (19-22%), OM341 và OM342 (20-22%). Hàm lượng amylose không có sự biến động đáng kể giữa 2 vụ. Các giống hầu như không có mùi thơm. OM341 và OM344 là 2 giống duy nhất có mùi thơm nhẹ. Tuy nhiên, mùi thơm của 2 giống này chưa ổn định, còn phụ thuộc vào môi trường canh tác và mùa vụ. Về phẩm chất cơm nấu, các giống có phẩm chất ngon xốp, một số có mùi vị đặc trưng. Qua đánh giá cảm quan, các giống cho cơm ngon: OM344, OM342, OM341 và OM10258.

Đánh giá phẩm chất của các giống tại các điểm qua 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu liên tiếp cho thấy phẩm chất khác nhau ở các giống khác nhau, tuy nhiên khá ổn định. Các giống có tiềm năng phẩm chất bao gồm: OM344, OM10258, OM341 và OM342./.

TH.QLKH

Chia sẻ bài viết