Tiếng Việt | English

05/10/2018 - 14:18

Danh tướng Nguyễn Cửu Vân - Kỳ cuối: Đi tìm thời gian mất của Vân Trường Hầu

TP.Tân An, tỉnh Long An có một con đường mang tên Nguyễn Cửu Vân nằm bên dòng Bảo Định có lịch sử gắn liền với tên tuổi của bậc đại công thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Dù vậy, thân thế của ông vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Loạt bài này với mong muốn góp phần tìm hiểu thêm tiểu sử vị danh tướng có công lao to lớn trong việc mở mang đất Tân An xưa.

Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên ghi về Nguyễn Cửu Vân

Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên ghi về Nguyễn Cửu Vân

Khắc ghi công lao của vị danh tướng tài ba Nguyễn Cửu Vân, triều Nguyễn đã cho biên soạn truyện riêng về sự nghiệp và hành trạng của ông để lưu truyền hậu thế nhưng đáng tiếc lại không đề cập đến năm sinh và khi nói đến thời gian mất cũng rất vắn tắt, mơ hồ.

Viết về thời gian mất của Nguyễn Cửu Vân, sách Đại Nam Liệt Truyện ghi như sau: “Bấy giờ Nặc Thâm từ Xiêm về, mưu hại Nặc Yêm, Nặc Yêm sai người phi báo, xin quân đến cứu, Vân cùng tướng giữ đồn là Trần Thượng Xuyên đem việc tâu lên. Chúa viết thư bảo Vân nên tùy nghi phủ dụ cho yên tình hình ngoài biên. Vân bèn tuyên thị đức triều đình, người Chân Lạp mến phục. Việc mở mang cõi Nam, công Vân rất nhiều. Sau đó được triệu về, Vân ốm chết”. Tra cứu sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên thì sự kiện Nặc Thâm từ Xiêm trở về quấy phá Chân Lạp xảy ra vào tháng 10/1711 và phải chăng như Liệt Truyện viết sau sự kiện này, Nguyễn Cửu Vân được triệu hồi về kinh và ốm mất (?).

Tuy không rõ thời điểm cụ thể nhưng lần theo biên niên sử, có 2 sự kiện đáng chú ý. Thứ nhất, theo Thực Lục biên chép vào tháng 10/1714, Nặc Thâm cùng bề tôi là Cao La Hâm lại tiếp tục dấy binh vây đánh Nặc Yêm, Nặc Yêm một lần nữa cầu cứu Chúa Nguyễn, Chúa lệnh cho Đô Đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên và Phó Tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú ứng cứu, đồng thời sai Cai Cơ Tả Bộ Dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân ở Bình Khang ứng tiếp. Như vậy, muộn nhất là đến tháng 10/1714 thì chức vụ Phó Tướng Dinh Trấn Biên của Nguyễn Cửu Vân đã có người thay thế, đó là Nguyễn Cửu Phú và điều này cho thấy Nguyễn Cửu Vân đã về kinh. Nguyễn Cửu Phú là ai? Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Cửu Phú là Nguyễn Cửu Triêm tức là con trưởng của Nguyễn Cửu Vân, ý kiến này dựa trên biên chép của Đại Nam Nhất Thống Chí nói rằng “Con cả của Vân là Triêm, làm phó tướng, nối cha làm lưu thủ Trấn Biên”. Tuy nhiên, suy đoán này là sai bởi theo Liệt Truyện thì phải đến năm 1715, Nguyễn Cửu Triêm mới được thăng lên Trấn Biên Doanh Lưu Thủ và Thực Lục cũng xác định rõ đây là 2 nhân vật khác nhau: “Tháng 11 (năm 1715), triệu Phó Tướng Dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú về, lấy Phó Tướng Nguyễn Cửu Triêm làm Lưu Thủ Dinh Trấn Biên”. Việc tìm ra thời gian nhậm chức của Nguyễn Cửu Phú sẽ giúp hình dung rõ hơn thời gian Nguyễn Cửu Vân trở về kinh nhưng một lần nữa, lịch sử lại im lặng quyết chẳng dĩ hơi.

Sự kiện thứ hai là vào năm 1715, khi Nguyễn Cửu Triêm nhận chức Phó Tướng đã xin Chúa Nguyễn trích lấy khoảng đất do cha mình khai khẩn trước đây để làm quan điền ăn riêng, sách Gia Định Thành Thông Chí viết về sự kiện này như sau: “Trấn thần đem việc đồn điền tâu lên, vua châu phê chuẩn định 2 sở ruộng hạng 2 và hạng 3 làm quan điền biệt thực, nên đặt tên ruộng ấy là ruộng Châu Phê rồi người ta cũng gọi sông này là sông Châu Phê. Hiện nay ở địa phận 3 thôn: Bình Khuê, Bình Trung, Bình Tuyên thuộc tổng Bình Cách (nay thuộc xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An), 2 sở ấy các vua đều chuẩn y để làm tự điền cho Nguyễn Công (Vân Trường Hầu)”. Theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, ruộng tự điền hay còn gọi là ruộng cúng kỵ thường giao cho con cháu của công thần sử dụng làm chi phí sinh hoạt, hương đèn, tế tự. Việc trích lấy ruộng quan đồn điền để làm ruộng tự điền là hiện tượng khá phổ biến thời bấy giờ, vì thế, phải chăng việc Chúa Nguyễn châu phê ban ruộng đất cho Nguyễn Cửu Triêm cũng đồng nghĩa với việc Nguyễn Cửu Vân đã mất?

Trải qua 3 thế kỷ, các cứ liệu lịch sử trở nên mờ nhạt khiến cho việc tìm hiểu năm sinh và năm mất của ông vô cùng khó khăn, vì thế chắc chắn đây còn là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu, rộng hơn, đó vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu của người dân Long An nhằm tưởng nhớ đến bậc tiền nhân tôn kính có công với quê hương, đất nước.

Dù vậy, “bức màn” về nhân vật lịch sử Nguyễn Cửu Vân đã dần sáng rõ, đặc biệt, công lao khai cơ mở đất Tân An xưa là không thể bàn cãi. Phải chăng vì vậy đã đến lúc chúng ta cần có nhiều hình thức tôn vinh xứng tầm nhân vật lịch sử này như nguyện vọng của người dân Tân An?

Bách Nhân

Chia sẻ bài viết