Tiếng Việt | English

17/06/2018 - 10:18

Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Những câu chuyện vui, buồn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải A Giải Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải A Giải Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Bước sang thời đại mới - thời đại số với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, để tồn tại và phát triển, báo chí đã có những biến chuyển mới. Trong quá trình thích ứng đó, làng báo Việt Nam có không ít những câu chuyện bi-hài về đạo đức người làm báo. 

Có chuyện vui...

Trong một lần trò chuyện với nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), tôi được nghe ông kể câu chuyện về những người làm báo thời đại công nghệ, những người biết vận dụng tốt mạng xã hội để mang lại hiệu quả truyền thông tích cực cho người dân và cho xã hội. Đó là những người làm báo có đạo đức. 

Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước khi một số đơn vị của TTXVN đã nhiều lần sử dụng mạng xã hội như một môi trường để tác nghiệp. Những năm tháng ấy, TTXVN từng được đánh giá là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam tích hợp mạng xã hội trong tác nghiệp để đưa tin về thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản (tháng 3/2011) cũng như về hoạt động cứu trợ các nạn nhân thảm họa này.

Khi đó, mạng xã hội đã trở thành phương tiện kết nối nhanh nhất giữa tòa soạn với các phóng viên, cộng tác viên tại Nhật Bản. Sau khi động đất xảy ra chỉ khoảng 30 phút, TTXVN đã có những bài viết, hình ảnh đầu tiên của người Việt Nam gửi về từ vùng động đất cùng với những thông tin của phóng viên thường trú tại Nhật Bản. 

Ngay sau đó, một diễn đàn được tạo ra để chia sẻ thông tin về du học sinh Việt Nam, những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, những địa chỉ liên hệ mà những người Việt Nam đang ở trong vùng thảm họa có thể nhận được sự hỗ trợ từ người làm công tác bảo hộ lãnh sự đối với công dân Việt Nam tại Nhật Bản. Những thông tin này đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng mạng. Bằng cách đó, những người Việt Nam còn đang mắc kẹt ở các vùng vừa trải qua thảm họa cũng như gia đình họ đã nhanh chóng ra khỏi “khủng hoảng tâm lý.”

Kết thúc câu chuyện, nhà báo Lê Duy Truyền nhấn mạnh: "Trong biển thông tin nhiều chiều, trong không gian kết nối đa chiều giữa nhà báo và độc giả, chúng ta (những người làm báo - PV) phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống, bởi đó chính là sức mạnh của nền tảng báo chí cách mạng."

Cuối năm 2017, trong số các tác phẩm đoạt giải A Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí,” ở thể loại Báo điện tử có loạt bài tám kỳ của tác giả Nguyễn Hòa Văn “Chống được "chạy" sẽ thành công” (đăng trên Tạp chí Người làm báo và một số báo khác). Loạt bài được dư luận quan tâm, là minh chứng của việc báo chí lên tiếng về một số điều luật không mạnh, không đứng về phía nhân dân và cổ xúy hoặc bảo vệ quan điểm của nhóm lợi ích. 

Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 1/2017. Sau gần một năm phát động, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí ở các loại hình.

Đầu năm 2018 có 31 tác phẩm báo chí xuất sắc được lựa chọn để trao các giải A, B, C và Khuyến khích. Có lẽ đây là câu chuyện đáng mừng của làng báo, cho thấy vẫn còn nhiều người làm báo thể hiện trách nhiệm, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc, tạo nên những tác động tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. 

...Và cả những chuyện buồn 

Chỉ cách đây mấy hôm, tôi được nghe Chủ tịch một tỉnh kể câu chuyện đáng buồn của làng báo rằng ông và không ít vị lãnh đạo địa phương thường gặp phải nhiều trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo để “ép” quảng cáo.

Gặp nhiều rồi nên dịp giáp Tết vừa qua, khi có cuộc gọi đến, ông đã từ chối. Sau nhiều lần liên lạc, “đối phương” nhẹ nhàng nhắn tin rằng “...đã phát hiện ở tỉnh nhà có..., cần ý kiến của anh,” cực chẳng đã ông đành “gặp tí cho xong!” Kết quả là ông đã phải ký vào một hợp đồng quảng cáo tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trị giá 30 triệu đồng. Nhưng nhận thấy địa phương mình không cần thiết đăng những thông tin này nên ông yêu cầu chỉ cần đăng cái thiệp chúc mừng năm mới trên tờ báo đó. 

Tháng 4/2018, vụ càphê trộn pin lan truyền trên báo chí, sau đó là trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt mà phần đông là “nghe nói, nghe đồn, nghe báo đăng...”

Vụ việc ầm ĩ đến mức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vụ việc gây mất uy tín hàng Việt và yêu cầu cần điều tra, khởi tố vụ việc. 

Khi vụ “càphê pin” chưa kịp lắng xuống, thì báo mạng lại một lần nữa nóng lên với những thông tin phát hiện hạt tiêu trộn bột pin và có hẳn cơ sở sản xuất bột pin để phục vụ hoạt động này.

Được sự chỉ đạo của Thủ tướng, các ngành chức năng rốt ráo vào cuộc. Cuối cùng sự thật được làm rõ bột pin được trộn vào phụ phẩm hạt càphê và đá sỏi vụn không phải để làm càphê, mà là làm... hạt tiêu giả. 

Lâu nay trong đời sống, người ta vẫn truyền tai nhau chuyện pin được bỏ vào nồi luộc bánh chưng cho bánh xanh đẹp, nhuyễn, cho vào nồi luộc ngô cho mau chín, tiết kiệm thời gian, củi lửa. Nghe thế nhưng rồi tặc lưỡi kệ thôi, mình không ăn thì sẽ chả sao, giống như đám đông từng tặc lưỡi uống càphê bột bắp, càphê đậu nành, ăn đậu phụ thạch cao, bánh phở formol... Điều này tạo điều kiện cho những kẻ ác tâm không ngần ngại đưa những thứ độc hại vào thực phẩm hàng ngày gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Đó là chưa kể đến việc chúng đã phá hoại ghê gớm nền sản xuất, mà trong vụ “càphê pin - hạt tiêu pin” này giá trị hàng hóa của hạt càphê, hạt tiêu sụt giảm, chất lượng bị nghi ngờ, thậm chí bị tẩy chay, đẩy rất nhiều người liên quan vào cảnh bị liên lụy, khốn cùng. 

Gần đây, rộ lên không ít những câu chuyện được đăng tải trên báo giấy, báo mạng, trang thông tin điện tử... là sản phẩm tưởng tượng. Chẳng hạn từ chuyện một nữ sinh hệ cao đẳng gặp một số vấn đề nhỏ trong học hành, nghề nghiệp bỏ lên Đà Lạt chơi; rất nhiều “tờ báo” đã dựng lên câu chuyện ly kỳ, bí hiểm rằng nữ sinh này mất tích. Rồi từ một bức thư được ngụy tạo - Thư gửi bố ở Trường Sa, một số trang báo đã không kiểm chứng, vô tư đăng lại như một phát hiện chấn động, thu hút sự quan tâm của không ít người. 

Tần xuất dày đặc và khá phổ biến là những bài viết khai thác tận cùng đời tư của người nổi tiếng với những cái tít “gợi tò mò” như "Bốn người phụ nữ đi qua cuộc đời của nghệ sĩ hài C.L;" "Vợ C.Đ.K đáp trả khi chồng lên tiếng bảo vệ H.H"... Trong khi đó, những vấn đề đang ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước, làm xói mòn lòng tin lại ít được nhắc đến. Thậm chí, với nhiều sự kiện chính trị lớn, ảnh hướng đến toàn xã hội, nhiều “báo” chỉ đăng tin theo kiểu “đăng cho có”. 

Không thể phủ nhận, có những thời điểm công chúng thất vọng với hệ thống báo chí chính thống bởi sự thiếu vắng những tác phẩm nhận diện sâu các vấn đề nóng hay đủ sự diễn giải, phân tích, bình luận tìm ra căn nguyên, gốc rễ thực chất của các vấn đề, sự kiện mà xã hội đang quan tâm để có định hướng dư luận một cách thuyết phục; hoặc chưa có những bài viết phản biện sâu sắc. Câu chuyện này nói lên bản lĩnh, đạo đức người làm báo chưa vững vàng trước sóng gió truyền thông; việc xử lỷ khủng hoảng truyền thông, đôi khi còn bị lệ thuộc bởi thái độ của người lãnh đạo hoặc “nhóm lợi ích.” 

Đáng buồn hơn nữa là những tờ báo được gọi là “báo mạng” đăng tải nhiều thông tin, bài viết có thiên hướng “lá cải,” chuyên “giật tít câu view” thường được ghi nhận có lượng độc giả lớn hơn nhiều so với những tờ báo chính thống. Điều này vô hình chung tạo cơ hội cho các báo xu hướng “lá cải” ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến công chúng dần mất niềm tin với báo chí. Mà khi niềm tin mất đi, đọc giả sẽ xa rời báo chí, đánh mất thói quen mua, đọc, xem báo. Tình trạng này nếu kéo dài thì liệu báo chí của chúng ta còn có tương lai?

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết