Tiếng Việt | English

21/10/2017 - 14:02

Đào tạo cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”

Xác định cán bộ (CB) là nhân tố quyết định, khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; đầu tư cho công tác CB chính là đầu tư cho phát triển, ngày 27/9/2011, Tỉnh ủy Long An ban hành Đề án “Công tác CB của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo” nhằm tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CB và xây dựng đội ngũ CB trẻ, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức... Qua gần 6 năm triển khai thực hiện đề án, đội ngũ CB của tỉnh từng bước được chuẩn hóa và ngày càng nâng cao trình độ lý luận chính trị lẫn chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.


Khi còn là Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa, chị Lê Thị Cẩm Tú (người thứ 3, phải qua) luôn có mặt trong các phong trào Đoàn. Sự nêu gương, gắn bó, sâu sát với đoàn viên, thanh niên của cán bộ Đoàn cũng là một trong những điều chị học được từ các lớp bồi dưỡng chính trị

Vững về chính trị

Năm 2016 là khoảng thời gian vất vả với Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Lê Thị Cẩm Tú. “Lúc này, tôi không có ngày nghỉ vì trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu học Cao cấp Lý luận chính trị ở TP.HCM; chiều thứ sáu lại về TP.Tân An học lớp Cao học tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An đến chủ nhật. Tuy mệt nhưng Nhà nước hỗ trợ kinh phí thì bản thân phải cố gắng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị trong quá trình công tác”.

Chị Tú tham gia công tác Đoàn hơn 10 năm. Dù có kinh nghiệm nhưng nhiều lần, chị vẫn gặp khó khăn. Theo chị Tú, nếu bản lĩnh không vững vàng, tư tưởng chẳng kiên định sẽ dễ nản lòng. Nhưng, qua nhiều lớp đào tạo, nhận thức chính trị nâng cao nên khi gặp tình huống cần xử lý, bản thân bình tĩnh, đánh giá vấn đề một cách toàn diện để chọn hướng giải quyết phù hợp theo quan điểm, chủ trương của Đảng. “Ngoài bản lĩnh, tư tưởng vững vàng, những gì tích lũy được từ các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị còn trang bị cho tôi một số kỹ năng trong quá trình làm công tác Đoàn” - chị Tú nói thêm.

Trước khi được điều động về Tỉnh đoàn vào tháng 9/2017, chị Tú có thời gian 6 năm công tác tại Huyện đoàn Đức Hòa với vai trò Phó Bí thư rồi Bí thư. Là thủ lĩnh của thanh niên ở một địa phương nên việc định hướng tư tưởng cho các bạn trẻ rất quan trọng. Điều này đòi hỏi CB Đoàn phải có kỹ năng và sáng tạo.

Chị Tú chia sẻ: “Bản thân suy nghĩ một số phong trào thu hút đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia để qua đó, lồng ghép tuyên truyền, định hướng tư tưởng. Nhưng nếu tuyên truyền suông, người nghe sẽ nhàm chán và không “mặn mà” với những lần tiếp theo nên muốn hiệu quả, công tác này phải thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực. Nếu ĐVTN thích văn nghệ thì lồng ghép các tiết mục ca, hát hoặc diễn kịch lúc sinh hoạt. Những tiểu phẩm vừa là món ăn tinh thần thu hút người trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn, vừa là bức thông điệp tuyên truyền ý nghĩa. Còn với thanh niên công nhân, những buổi sinh hoạt phải tổ chức vào ngày nghỉ hoặc buổi tối thứ bảy. Hình thức, thời gian sinh hoạt phải phù hợp với đối tượng mới thu hút được ĐVTN tham gia”.

Tuy nhiên, ngoài cách làm hay, người đứng đầu tổ chức Đoàn phải sâu sát, gần gũi và nêu gương. Vốn hiểu điều này từ những bài giảng trong các lớp bồi dưỡng chính trị nên các buổi sinh hoạt Đoàn - dù tối hay sớm, đường xa hay ngày nghỉ, chị Tú vẫn đến dự cùng ĐVTN. Tổ chức Đoàn cần những thủ lĩnh nhiệt tình, năng động như vậy để tạo sức lan tỏa trong ĐVTN, đưa phong trào Đoàn ngày càng phát triển và thực chất.

Có thể nói, khi CB có trình độ lý luận chính trị cao, nhận thức sâu sắc sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào nói riêng và của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nói chung. Vì vậy, tỉnh Long An tập trung đào tạo đội ngũ CB có bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn chuyên sâu và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là CB trẻ, CB nữ.

Theo Đề án “Công tác CB của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo”, giai đoạn 2011-2015, tỉnh đưa ra chỉ tiêu đào tạo 1.500 CB có trình độ trung cấp và 350 CB có trình độ cao cấp lý luận chính trị. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho CB đi học, ngoài các lớp theo kế hoạch, tỉnh còn mở các lớp ngoài kế hoạch (dạy vào thứ sáu, thứ bảy). Ngoài CB thuộc diện quy hoạch đi học, tỉnh còn tạo điều kiện cho một số CB không thuộc diện quy hoạch (các cơ quan báo chí) nhằm nâng cao trình độ lý luận phục vụ công tác. Kết quả, giai đoạn 2011-2015, tỉnh đào tạo 4.042/1.500 CB trình độ trung cấp (vượt chỉ tiêu đề án 269,47%); 681/350 CB trình độ cao cấp (vượt chỉ tiêu đề án 194,57%)” - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Giỏi về chuyên môn

Từng thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Y dược Cần Thơ nhưng sau 1 năm theo học chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Hồ Hoàng Duy Khánh lại rẽ sang một con đường khác. Đó là con đường du học để trở về phục vụ quê hương. “Tìm hiểu thông tin học bổng từ website của Sở Nội vụ Long An, Duy Khánh làm hồ sơ và được xét duyệt. Năm đầu, Duy Khánh học tiếng Trung tại Trường Đại học Khoa học Công nghệ Nam Kinh, Trung Quốc nhưng sau đó xin Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển sang học ngành Quản lý tài chính công tại Trường Đại học Vũ Hán - một trong những trường thuộc top 10 của Trung Quốc.

Tốt nghiệp đại học năm 2013, Duy Khánh tiếp tục học tiếng Anh, sau đó học cao học ở Anh với chuyên ngành Quản lý tài chính (nghiên về tài chính tư). Trong thời gian học cao học, Duy Khánh được tỉnh hỗ trợ chi phí từ Chương trình ECV và có ký kết, sau khi tốt nghiệp quay về công tác tại tỉnh 12 năm” - Duy Khánh kể về quá trình học tập.


Thời gian học tập ở nước ngoài giúp Hồ Hoàng Duy Khánh tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng để vận dụng khi trở về công tác tại tỉnh

Trở lại quê hương, Duy Khánh công tác tại Sở Tài chính vào tháng 6/2016. Công việc chuyên môn mà Duy Khánh phụ trách là quản lý giá công sản. “Khi vào công tác, thực tiễn công việc không giống nhiều như những gì được học ở trường. Vì vậy, để làm quen công việc, em học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ đồng nghiệp và thực tế từ môi trường đang công tác. Có thể nói, những năm học tập ở nước ngoài, em học được kỹ năng tư duy phản biện và cách nhìn mới để vận dụng vào công việc” - Duy Khánh chia sẻ.

Từ những kỹ năng, kiến thức tích lũy sau những năm học tập ở Trung Quốc, Duy Khánh sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp để cùng nhau làm việc hiệu quả hơn. Thấy việc thống kê và tính tiền khấu trừ cho những tổ chức, cá nhân khi chuyển quyền sử dụng từ đất nông nghiệp sang sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, Duy Khánh vận dụng kiến thức công nghệ thông tin để viết một phần mềm Excel tự động. Khi hoàn thành, các cơ sở dữ liệu được lưu lại một cách khoa học nên thống kê nhanh hơn.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Thế Luân cho biết: “Trong công tác quản lý, có rất nhiều vụ, việc yêu cầu người lãnh đạo phải đưa ra quyết định, do đó, rất khó để nói việc vận dụng kiến thức được học như thế nào một cách cụ thể. Nhưng, kiến thức đã học giúp tôi có cái nhìn đa chiều khi xử lý một sự việc, từ đó có những phân tích, nhận định và tổng hợp ý kiến tốt hơn”.

Anh Luân tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM năm 2002 và vào công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ đầu năm 2003. Đến năm 2015, anh giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa cho đến nay. Suốt thời gian công tác, anh được cơ quan tạo điều kiện tham gia một số lớp đào tạo. Anh Luân kể: “Năm 2008, tôi tham gia Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright và sau đó hoàn thành chương trình cao học ngành Kinh tế phát triển của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Về lý luận chính trị, tôi được đào tạo cao cấp.

Những lớp đào tạo, bồi dưỡng này mang lại cho tôi nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, kỹ năng phân tích và lý luận chính trị, góp phần nâng cao năng lực công tác”.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải: Khi thực hiện đề án, tỉnh đưa chỉ tiêu trong giai đoạn 2011- 2015 phải đào tạo 950 CB có trình độ đại học và sau đại học là 398 CB. Kết quả, tỉnh đào tạo đại học được 706/950 CB (đạt 74,32% chỉ tiêu đề án) và sau đại học 541/398 CB (vượt chỉ tiêu đề án 139,07%), trong đó, đào tạo thạc sĩ 389/220 CB, tiến sĩ 8/8 CB, bác sĩ chuyên khoa I 127/150 CB, bác sĩ chuyên khoa II 17/20 CB. CB được cử đi học hưởng đầy đủ các chế độ: Học phí, tiền tài liệu, lệ phí ôn thi, sinh hoạt phí,... Tiền hỗ trợ đối với những trường hợp CB được cử đi đào tạo sau đại học, bao gồm: Chuyên khoa I, II, cao học và nghiên cứu sinh tính bằng số lần theo mức lương tối thiểu chung; riêng đối với CB tự học (tự túc kinh phí), sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ như CB được cử đi học.

Tạo bước đột phá

“Trước đây, công tác đào tạo CB ở tỉnh không theo kế hoạch và việc quản lý đào tạo lỏng lẻo. Nhưng, sau khi đề án ban hành, tỉnh cụ thể hóa và dành 550 tỉ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB. Theo đó, tỉnh phân công rõ lĩnh vực phụ trách, thành lập các hội đồng đào tạo cho CB cơ sở, đào tạo CB khoa học - kỹ thuật, chuyên môn, lý luận chính trị. Việc quản lý đào tạo cũng siết chặt hơn. Cụ thể, tỉnh không mở lớp đào tạo ở các địa phương mà đào tạo tại Trường Chính trị, kể cả lớp tập trung và hệ vừa học, vừa làm” - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.

Không chỉ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, tỉnh còn cử CB tham gia các lớp bồi dưỡng: Nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng; chức danh bí thư huyện ủy và tương đương; kiến thức quốc phòng - an ninh; kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và chuyên viên chính; tác nghiệp và cập nhật kiến thức đối với chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND và trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài theo Đề án 165,... nhằm đào tạo kỹ năng tác nghiệp cho CB cơ sở cũng như thái độ ứng xử, giải quyết công việc tốt hơn.

Từ khi thực hiện đề án, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB được các địa phương, đơn vị quan tâm. Ngoài kinh phí do ngân sách tỉnh phân bổ, các địa phương, đơn vị còn sử dụng ngân sách do cấp mình quản lý để đào tạo CB theo yêu cầu của địa phương, đơn vị. Một số địa phương, đơn vị tạo điều kiện về thời gian, khuyến khích CB không thuộc diện quy hoạch tự nghiên cứu, học tập (vừa học, vừa làm) để nâng cao trình độ, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải đánh giá: Qua thực hiện đề án, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB chuyển biến tích cực. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ CB chủ chốt từ cấp tỉnh đến cơ sở nâng lên. Ý thức tự học để nâng cao trình độ của CB nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng phổ biến ở các cấp, các ngành. Hầu hết các cấp ủy địa phương, đơn vị đều xây dựng và thực hiện khá tốt kế hoạch thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CB phù hợp với tình hình và yêu cầu chuẩn hóa chức danh CB ở địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng được gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng CB phù hợp năng lực, sở trường; chú trọng đào tạo những ngành nghề có tính chiến lược, yêu cầu trình độ, kỹ thuật công nghệ cao và đào tạo theo hướng chuyên sâu; được thực hiện bằng nhiều hình thức đào tạo trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ CB, công chức từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nhìn chung, CB được đưa đi đào tạo đều phát huy được năng lực, sở trường công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và trưởng thành rõ nét: Nhận thức, khả năng tiếp cận, giải quyết công việc nhanh nhẹn; bản lĩnh trong quản lý, điều hành và khả năng tập hợp lực lượng nâng lên.

Sau thời gian thực hiện, Đề án “Công tác CB của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo” tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là đội ngũ CB vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Huyền Thu - Thùy Hương

Chia sẻ bài viết