Tiếng Việt | English

03/08/2018 - 11:20

Đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động bị thu hồi đất - Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Việc thực hiện chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động (LĐ) bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Long An còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều địa phương mới triển khai hoặc chưa triển khai được chính sách này đến với người dân.

Lúng túng trong thực hiện

Cần Giuộc là một trong những huyện phát triển mạnh về công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Hàng loạt dự án khu, cụm công nghiệp, khu dân cư được triển khai, theo đó, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện phê duyệt hỗ trợ 842 hộ bị thu hồi 237ha đất nông nghiệp với số tiền trên 211 tỉ đồng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ việc làm cho LĐ bị thu hồi đất. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, những trường hợp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề đều không thuộc diện theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ.

5 năm qua, huyện Bến Lức thực hiện 18 dự án (chủ yếu là các công trình giao thông), thu hồi gần 35ha đất, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 2.700 hộ dân. Huyện mở 53 lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, còn việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho LĐ bị thu hồi đất chưa thể thực hiện (ngoài một số hộ dân thụ hưởng chính sách phục hồi thu nhập từ dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành). 

Trong phát triển công nghiệp, cần quan tâm thực hiện tốt chính sách về đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất   Ảnh: Thanh Mỹ

Đức Hòa là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người bị thu hồi đất nhưng cũng chỉ đào tạo được 172 LĐ trong 5 năm qua. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Hồng Phúc, trong quá trình thực hiện việc kê biên tại các hộ có đất bị thu hồi, cơ quan chuyên môn tiến hành tuyên truyền, phổ biến chính sách đào tạo nghề đến người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện gặp khó khăn khi chính sách đào tạo nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề cho LĐ bị thu hồi đất. Huyện cũng không nhận được hướng dẫn cụ thể về cách trích lập kinh phí để thực hiện theo Kế hoạch số 4576/KH-UBND. Do đó, người LĐ thuộc diện bị thu hồi đất hầu hết được UBND các xã, thị trấn vận động tham gia các lớp dạy nghề nông thôn theo Đề án 1965 của Chính phủ.

Nhầm lẫn giữa thực hiện chính sách đào tạo nghề với các chính sách hỗ trợ khác

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Hoàng Tuấn, hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho LĐ bị thu hồi đất là một trong những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để người dân thuộc diện bị thu hồi đất có thể ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm trong môi trường mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều địa phương còn nhầm lẫn trong việc triển khai chính sách này. “Quá trình khảo sát cho thấy, nhiều nơi nhầm lẫn chính sách này với các chính sách hỗ trợ khác khi thực hiện phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Từ đó dẫn đến việc có địa phương triển khai được, có địa phương chưa triển khai được”. 

Minh chứng cho điều này, ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn ví dụ: “Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp - dịch vụ - thương mại của tỉnh với hàng loạt dự án được triển khai nhưng chỉ đào tạo nghề cho LĐ thuộc diện thu hồi đất được 3 trường hợp. 3 trường hợp này lại là những người tham gia học nghề theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐ nông thôn”.

Các địa phương chủ yếu mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có số ít là lao động bị thu hồi đất (Trong ảnh: Dạy nghề kết cườm cho lao động nông thôn) Ảnh: Song Hồng

Bên cạnh đó, các địa phương được Đoàn ĐBQH khảo sát trong đợt này hầu hết còn nhầm lẫn giữa thực hiện chính sách đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo Đề án 1956 và đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, việc đào tạo nghề chỉ tập trung cho LĐ nông thôn, chưa thực hiện được với những LĐ thuộc diện bị thu hồi đất. Chính vì sự nhầm lẫn này, việc triển khai chính sách tại một số địa phương chưa sâu rộng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Trương Văn Nọ cho biết.

Cần nghiêm túc thực hiện

Theo Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Long An - Trương Văn Nọ, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị thu hồi đất đã và đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, kết quả giải quyết các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ thuộc diện bị thu hồi đất trong thời gian qua còn rất nhiều bất cập, vướng mắc. 

Trong quá trình khảo sát, ông Trương Văn Nọ cũng cho rằng, trong quá trình kê biên, đền bù, một số địa phương chưa kết hợp với công tác rà soát nhu cầu học nghề của người LĐ; chủ yếu thực hiện hỗ trợ 1 lần bằng tiền theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi mà chưa quan tâm đến việc đào tạo, định hướng nghề cho người LĐ.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người LĐ bị thu hồi đất hiện nay còn hạn chế từ chính những người được thụ hưởng. Theo đánh giá của các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, rất nhiều người LĐ chưa nhận thức đầy đủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm nên vẫn còn ỷ lại vào tiền đền bù, chưa chủ động học nghề và tìm việc làm. Một số LĐ khác thì tự chuyển đổi sang kinh doanh, buôn bán hoặc vào làm công nhân tại các khu công nghiệp nên chính sách đào tạo nghề chưa thu hút được người LĐ bị thu hồi đất.

Trước những bất cập, hạn chế trong việc triển khai chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho LĐ thuộc diện bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh hiện nay, Trưởng đoàn ĐBQH - Trương Văn Nọ đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động rà soát việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho LĐ bị thu hồi đất ở các địa phương để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của người LĐ, giúp người LĐ thuộc diện bị thu hồi đất hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từ đó có kế hoạch chọn nghề, học nghề phù hợp để ổn định cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương./.

Theo thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 2013-2017, toàn tỉnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 26.821 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956 của Chính phủ.

Trong đó, có 228 lao động thuộc diện bị thu hồi đất được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, tiền ăn, tiền xe đi lại trong thời gian học. Bên cạnh đó, từ năm học 2015-2016, lao động trong đó có lao động thuộc diện bị thu hồi đất tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp tại các trường nghề đều được miễn 100% học phí.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích