Tiếng Việt | English

16/11/2015 - 11:45

Long An

Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tiễn

Hiện nay, lao động nông thôn có nhu cầu học nghề ngày càng tăng. Sau khi được đào tạo nghề, học viên (HV) áp dụng kiến thức vào sản xuất nâng cao hiệu quả, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả cao hơn nữa, cần gắn với nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống.


Nông dân học nghề trồng chanh

Nhu cầu học nghề ngày càng tăng

Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (ND) (gọi tắt là Trung tâm) đã đào tạo được 64 lớp với 1.449 HV tham dự. Theo đánh giá của Ban Giám đốc Trung tâm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong 2 năm 2013 và 2014 có 37 lớp với hơn 800 HV theo học. Dự kiến trong năm 2015 có 30 lớp với 700 HV theo học với các ngành nghề: Kỹ thuật trồng lúa, trồng thanh long theo hướng VietGap; trồng hoa, cây cảnh; nấm bào ngư; rau an toàn,… và cách phòng trị bệnh cho trâu, bò, kỹ thuật nuôi rắn, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi heo,…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND - Nguyễn Thanh Hiếu, phần lớn HV sau khi tham gia khóa học, áp dụng kiến thức vào sản xuất đạt hiệu quả. Tỷ lệ ND sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất đạt tỷ lệ trên 90%.

Áp dụng vào sản xuất

Sau khi học nghề, nắm được kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, HV đã xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tự làm giàu cho bản thân và xã hội. Điển hình như: Mô hình vườn hoa lan phường 4, TP.Tân An, Câu lạc bộ hoa kiểng xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ; các tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản xã Lợi Bình Nhơn, Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, xã Mỹ Phú, Mỹ Lạc, Mỹ An, huyện Thủ Thừa; trồng chanh không hạt xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa,...

Ông Trần Văn Thanh - ND xã Nhơn Thạnh Trung cho biết: "Từ khi mô hình vay vốn quỹ hỗ trợ ND chăn nuôi bò sữa phát triển, nhiều nông dân chuyển sang nuôi bò sữa đạt hiệu quả".


Nông dân xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An vươn lên khá giả nhờ mô hình nuôi bò sữa

Phó Giám đốc Trung tâm - Nguyễn Thanh Hiếu cho biết thêm: "Để các chương trình dự án và Quỹ hỗ trợ ND hoạt động ngày càng hiệu quả, trước khi triển khai chương trình, dự án nên cho ND theo học lớp đào tạo nghề, góp phần tạo thành công khi triển khai dự án. Ngoài ra, Trung tâm sẽ phối hợp với một số Cty phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi,... để có giải pháp hỗ trợ ND sau khi học nghề".

Để việc dạy nghề và hỗ trợ ND hiệu quả hơn, sắp tới, cần có sự thay đổi chính sách hỗ trợ ND học nghề, thay vì mỗi ND chỉ được học 1 nghề, thì sẽ tạo điều kiện cho học từ một đến 2 hoặc 3 nghề. Chế độ bồi dưỡng học nghề có thể thay đổi cho phù hợp thay vì 15.000 đồng/người/ngày như hiện nay. Đặc biệt, cần có quy định khi ND muốn vay vốn từ nguồn quỹ, ngân hàng thì phải có chứng chỉ đào tạo nghề phù hợp mới xét cho vay. Từ đó, tạo cho ND ý thức tự giác học tập, kiên trì theo khóa học vì hiện nay nhiều ND theo học các khóa đào tạo nghề đã bỏ dở nửa chừng, một phần do trình độ hạn chế, một phần do khó khăn trong cuộc sống, đi học một ngày mất đi thu nhập đáng kể.

Nhiều địa phương trong tỉnh còn chạy theo thành tích mà chưa xem xét đến nhu cầu thực tiễn của ND. Một số nghề thực ra ND theo học nhưng rất ít áp dụng trong thực tế vì rất khó có đầu ra hoặc thu nhập quá thấp như: Nghề học làm nấm, nghề đan lát lục bình, đan giỏ nhựa thu nhập quá thấp khoảng 20.000 đồng/ngày... Từ thực tế này cho thấy, việc đào tạo nghề cho ND cần gắn chặt với nhu cầu thị trường, giải pháp đầu ra cho sản phẩm cần được chú trọng trong khâu đào tạo nghề. Ngoài việc đào tạo kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho ND thì giáo viên dạy nghề cần hướng HV đến sự sáng tạo trong quá trình áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, từ đó mới đem lại hiệu quả cao sau học nghề./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết