Tiếng Việt | English

20/11/2019 - 14:19

Đất anh hùng đi lên

Xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đi vào lịch sử với trận đánh nổi tiếng - trận Cù Tròn. Ngày nay, từ sự chung tay, góp sức của chính quyền và người dân, mảnh đất này được phủ lên một màu xanh no ấm.

Hàng năm, cứ đến ngày 23/10 âm lịch, người dân ấp Tân Long lại chuẩn bị lễ giỗ tại di tích Cù Tròn

Từ ngã tư chợ Thanh Phú Long, chúng tôi rẽ về ấp Tân Long. Không khó để hỏi thăm bia Cù Tròn bởi hầu như người dân nơi đây đều biết về chiến tích cách đây 55 năm. Sâu tận trong xóm, ấp, những cung đường được nhựa hóa, bêtông hóa trải dài hút mắt. Hai bên đường với đủ loại hoa khoe sắc. Xen lẫn trong những ruộng thanh long xanh bạt ngàn là những ngôi nhà mới khang trang, minh chứng cho sự no ấm của một vùng quê. Người dân luôn ý thức chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường, tích cực trồng cây xanh, hoa, tạo điểm nhấn cho ngôi nhà của mình thêm đẹp mắt.

Trạm cấp nước tại xã được đầu tư xây dựng

Chúng tôi đến Nhà văn hóa ấp Tân Long, nơi có bia Cù Tròn, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại đây, người dân đang chăm chút chuẩn bị lễ giỗ những liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Mỹ - ngụy vào năm 1964. Anh Trương Hữu Hiếu - người dân ấp Tân Long, kể: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23-10 âm lịch là chúng tôi lại cùng chính quyền địa phương làm giỗ tại di tích này. Từ trước đêm 22, mọi người đã tụ tập để làm một số công việc cần thiết. Riết rồi thành quen, bao nhiêu năm qua, cứ đến ngày này là chúng tôi phân công nhau nấu vài món ngon, trước là cúng những người đã khuất, sau đó hàng xóm tụ tập cùng ôn lại chuyện xưa. Qua đó, nhắn nhủ con cháu phải ra sức giữ gìn nền độc lập dân tộc”.

Theo người dân nơi đây, tại vùng đất xóm Tròn năm xưa, có trung đội thuộc huyện Châu Thành đã kiên quyết bám trận địa, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của 2 trung đoàn bộ binh ngụy; tiêu diệt trên 120 tên địch,... Trận đánh này thể hiện quyết tâm lãnh đạo của Đảng bộ và quân, dân Châu Thành mưu trí, dũng cảm lấy ít đánh nhiều,... Từ đó, góp phần bảo tồn lực lượng, phát triển phong trào cách mạng.

Nhiều năm trôi qua, vùng căn cứ cách mạng ngày nào đã và đang “hồi sinh”. Những con đường mở rộng khắp xóm; trụ sở UBND xã khang trang; y tế, giáo dục được chăm lo,... Đặc biệt, nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang thanh long, nhiều hộ dân trở nên giàu có, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển địa phương.

“So với trước đây, đời sống chúng tôi thay đổi nhiều lắm! Thanh Phú Long bây giờ có nhiều ngôi nhà khang trang, biệt thự mọc lên nhờ trồng thanh long. Ở đây, tất cả công trình về hạ tầng đều được người dân đồng lòng, chung sức xây dựng,... Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia nhiều mô hình như tuyến đường hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp,...” - anh Phạm Ngọc Hà, người dân địa phương phấn khởi nói.

Người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long - Phan Thị Mộng Thường cho biết, sau chiến tranh, địa phương ra sức khôi phục kinh tế, chăm lo cuộc sống người dân, nhất là những gia đình có công với nước. Thanh Phú Long là xã nông nghiệp thuộc vùng hạ của huyện Châu Thành, trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm đến 9,1%. Đến nay, địa phương “thay da, đổi thịt”, đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Các tuyến giao thông nông thôn được bêtông hóa, nhựa hóa, bảo đảm việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hầu hết người dân trên địa bàn xã có điện, nước hợp vệ sinh sử dụng. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 64 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn khoảng 2%. Đó là kết quả quá trình nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Thanh Phú Long. Đời sống khá lên, người dân chung tay đóng góp cho các công trình xây dựng nông thôn mới trị giá hàng tỉ đồng./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết