Tiếng Việt | English

03/11/2016 - 09:06

Đau buồn tiễn biệt người con ưu tú

"Đồng chí Nguyễn Văn Chính vĩnh viễn ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng chí, đồng đội, thân bằng, quyến thuộc và là tổn thất không gì bù đắp được. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Văn Chính. Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao suốt hơn 70 năm qua, đến đây đồng chí hoàn thành." - Trưởng ban Lễ tang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình.

 3 giờ sáng, ngày 3/11/2016, khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, từng đoàn xe của các tỉnh: Long An, Tiền Giang,... và TP.HCM, các cơ quan Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương lặng lẽ tiến về Nhà tang lễ tại số 25, đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM để tiễn biệt người con ưu tú của đất nước cũng như của quê hương Long An - đồng chí Nguyễn Văn Chính - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An,... Lễ tang đồng chí Nguyễn Văn Chính được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.


Đồng chí Nguyễn Văn Chính vĩnh viễn ra đi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, thân bằng, quyến thuộc, đồng chí, đồng đội, nhân dân,...

Dòng người thương tiếc tiễn đưa

Dù 4 giờ 30 phút, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Chính mới chính thức bắt đầu, nhưng từ rất sớm, những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại biểu từ các bộ, ban, ngành và các địa phương, những người đồng chí, đồng đội, bằng hữu,... tập trung trước nhà tang lễ. Những nén hương được mọi người lần lượt dâng lên trước linh cữu đồng chí, tỏ lòng thành kính trước sự ra đi của một người con ưu tú của đất nước, quê hương.

Đúng 4 giờ 30 phút, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Chính được tổ chức trọng thể. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Lễ tang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Chính. Đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định: “Trong suốt hơn 61 năm hoạt động cách mạng, cho đến khi về hưu, trải qua bao khó khăn, gian khổ trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, dù ở bất kỳ vị trí nào, đồng chí Nguyễn Văn Chính cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, một lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với lý tưởng cách mạnh, tận tụy với nhân dân, sống mẫu mực, thủy chung với đồng chí, bạn bè. Luôn hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao, đồng chí cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí nêu cao tấm gương về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, về tình thương yêu và trách nhiệm với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình, sống thanh liêm, giản dị. Những năm tháng cuối đời, tuy tuổi cao nhưng đồng chí vẫn quan tâm đóng góp ý kiến vào công việc chung, với niềm tin son sắt vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đồng chí vĩnh viễn ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng chí, đồng đội, cho anh em, bạn bè thân hữu và là tổn thất không gì bù đắp được. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh việt đồng chí Nguyễn Văn Chính. Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao suốt hơn 70 năm qua, đến đây đồng chí hoàn thành”.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đọc điếu văn tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Chính

"Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao suốt hơn 70 năm qua, đến đây đồng chí hoàn thành. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí!"

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình

Trong suốt những ngày diễn ra lễ viếng, có 610 đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong cả nước với hơn 5.000 lượt người đến viếng đồng chí. Trong đó, Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước - Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ: Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Văn An và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến viếng và gửi vòng hoa chia buồn.

Ghi vào sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Với 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Chín Cần dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Được giao giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước, trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chín Cần luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao. Đặc biệt trong những năm 80 của thế kỷ trước, vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế đất nước, với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Long An, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí luôn có tư duy đổi mới, mạnh dạn đề xuất thí điểm thực hiện cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, bù giá vào lương, xóa bao cấp, góp phần khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới đất nước”.

Tiễn biệt người con ưu tú của đất nước và quê hương Long An

Sau lễ truy điệu, linh cữu đồng chí được di quan về an táng tại Nghĩa trang TP.HCM. Trong dòng người tiễn đưa ấy, có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những người đồng chí, đồng đội, bằng hữu, thân quyến của đồng chí. Không ít những câu chuyện trong quá trình hoạt động cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương Long An được bạn bè, đồng chí nhắc lại. Đặc biệt là những câu chuyện trong thời kỳ đồng chí đương nhiệm lãnh đạo tỉnh Long An. Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Chính, nhân dân nhớ về người khai hoang mở đất, về người đi đầu trong đổi mới, xóa bỏ bao cấp,... mà bắt đầu từ quê hương Long An.

Vùng đất Đồng Tháp Mười bao la, hoang vu, mùa nắng đồng khô cỏ cháy, mùa nước nổi mênh mông. Hơn 30 năm trước, không ai dám nghĩ rằng, Đồng Tháp Mười sẽ trở thành vựa lúa trù phú của đất nước với những cánh đồng thẳng cánh cò bay như ngày hôm nay. Đó là thành quả của những năm đổi mới ở Long An. Một trong những con người làm nên diện mạo, sức sống mới của vùng đất này chính là chú Chín Cần. Gần cả cuộc đời gắn bó với vùng đất nằm hai bên sông Vàm Cỏ này, cái tên Chín Cần cũng bắt đầu từ đó.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, về làm Bí thư Tỉnh ủy Long An, đây là giai đoạn mà đồng chí để lại nhiều dấu ấn nhất cho Long An cũng như cho đất nước. Thấm nhuần lời dạy của Bác, độc lập mà nhân dân còn khổ, còn nghèo thì độc lập có ý nghĩa gì? Những người dân cày bao năm theo Đảng, ước muốn sau cùng vẫn là độc lập, tự do và hạnh phúc, muốn như vậy phải có đất đai cho dân cày, ruộng đồng cho dân cấy. Những suy nghĩ ấy cứ làm cho đồng chí Chín Cần trăn trở mãi.

Ngày ấy, tỉnh Long An được chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng phía Nam đất chật, người đông, vùng phía Bắc đất rộng, người thưa. Chính từ điều đó, đồng chí cùng Đảng bộ Long An quyết định khai mở Đồng Tháp Mười. Ở vùng đất “cò trắng còn bay chẳng hết”, chính đồng chí dẫn đầu đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp vào Đồng Tháp Mười để khảo sát nắm tình hình trước khi bắt tay vào thực hiện chủ trương tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười, vùng kháng chiến của Khu 8 năm xưa. Trong những chuyến đi ấy giúp đồng chí ra những quyết sách chiến lược cho vùng đất mới nhưng cũ này.

Trong ký ức của những người con Long An trong buổi tiễn biệt đồng chí, trước đây, từ Tân An muốn về vùng Đồng Tháp Mười phải đi bằng đường sông hoặc muốn đi đường bộ phải vòng qua Cai Lậy, Tiền Giang. Để thực hiện cuộc tiến công lịch sử ấy, dứt khoát phải mở con đường bộ từ trung tâm tỉnh xuyên qua Đồng Tháp Mười. Phát huy tinh thần tiến công bằng sức mạnh của nhân dân trong kháng chiến, một cuộc ra quân rầm rộ lại diễn ra trên Đồng Tháp Mười. Hàng trăm ngàn lượt người từ các huyện phía Nam thay phiên nhau lên Đồng Tháp Mười đắp đường, mở đất. Con lộ 49, nay là Quốc lộ 62 xuyên qua bưng biền dần hình thành từ chính sức dân và lòng quyết tâm chinh phục, cải tạo vùng đất mới.

Song song đó, tỉnh còn chủ trương thành lập các đoàn bộ đội kinh tế vừa khai hoang đánh thức vùng đất ngàn năm còn yên ngủ, tạo điều kiện cho người dân nghèo có ruộng đất làm ăn, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chỉ trong vòng 2 năm (1978 và 1979), 650 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu lên định cư, khai phá, xây dựng vùng đất Đồng Tháp Mười. Và ngày nay, vùng đất hoang vu ấy trở thành vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Rồi những năm đất nước đứng trước ngưỡng cửa khủng hoảng KT-XH, ngay trước đêm đổi mới, người dân cả nước lại nhớ đến đồng chí, một người Bí thư dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi đưa ra những quyết định táo bạo tại tỉnh Long An trong cải tiến khâu phân phối lưu thông, mũi đột phá là thực hiện cơ chế một giá, tạo cơ sở thực tiễn vững chắc cho những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) - đại hội của đổi mới.

93 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, những gì đồng chí đóng góp cho đất nước, cho quê hương Long An mãi mãi còn lại với thế hệ đi sau, cho nhân dân, cho đất nước. Như lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đọc trong điếu văn: “Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao suốt hơn 70 năm qua, đến đây đồng chí hoàn thành. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí!”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết