Tiếng Việt | English

07/02/2017 - 19:50

Đầu năm, về thăm cồn Phụng

Nằm trên một cù lao thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Khu du lịch sinh thái cồn Phụng thu hút khách tham quan trong và ngoài nước bởi nó giống như một ốc đảo xanh nổi trên sông Tiền, quanh năm rợp bóng mát cùng nhiều hoạt động thú vị.

Nhìn từ xa, cồn Phụng nhô cao giữa con sông Tiền hiền hòa, giống như một làng quê miền Tây thu nhỏ của Đồng bằng sông Cửu Long. Một ngày cuối tuần, du khách lướt trên dòng sông êm ả, cảm giác thật dễ chịu khi được thưởng ngoạn cảnh sông nước miền Tây.

Đến với cồn Phụng, du khách dễ bị cuốn hút bởi những nét sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây gắn liền với các sản phẩm thủ công được chế tác từ dừa. Du khách có thể đi thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa,...


Từ trẻ nhỏ đến người lớn đều thích thú cho cá bú bình

Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cồn Phụng diễn ra nhiều chương trình sôi động: Xiếc, ảo thuật, múa lửa, múa bụng, ca nhạc, nhiều tiết mục chuyện lạ Việt Nam, hát với nhau, múa lân nữ, các trò chơi dân gian, cây ước nguyện, gieo quẻ đầu năm, thi đá gà tre và đá chim nghệ thuật, câu cá giải trí, câu cá sấu, trò bóng nước, tham quan, chụp ảnh vườn hoa,...

Nằm trong tour du lịch này, du khách không thể bỏ qua Khu di tích Đạo Dừa trên diện tích khoảng 1.500m². Hiện di tích này được bảo tồn nguyên kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa - Nguyễn Thành Nam với khu sân có 9 con rồng; tháp Hòa Bình (cửu trùng đài), nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Tòa tháp có kiến trúc huyền bí bằng những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén và một đỉnh lớn cao chót vót. Trong nhà trưng bày còn ghi lại những bức ảnh từ lúc sinh thời đến khi ông qua đời,... Hiện nay, ngay trong khu du lịch này còn có Bảo tàng dừa với nhiều hình ảnh, hiện vật sinh động, đặc sắc về cuộc sống, quá trình sinh hoạt và lao động của nông dân Bến Tre.


Trò chơi bóng nước

Nếu yêu thích cuộc sống làng quê, du khách có thể khám phá và trải nghiệm nhiều nét văn hóa độc đáo, tập tục của người dân nơi đây. Nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống chủ yếu bằng nghề nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn và một số loài hoa khác. Du khách cũng sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã, tham quan vườn trái cây sum suê và nhất là giao lưu đờn ca tài tử và câu cá đêm trên du thuyền,...

Tuy nhiên, ấn tượng nhất với du khách tham quan là trò cho cá bú bình sữa, được duy trì từ 2 năm nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất đông khách tham quan, kể cả khách nước ngoài, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều bị thu hút bởi trò chơi lạ mắt này. Trong hồ hình bán nguyệt, có hơn 1.000 con cá chép và cá phi được nuôi và huấn luyện trong một thời gian ngắn. Chúng có thể “cảm nhận” được mùi thức ăn từ trong chiếc bình sữa nhỏ xíu dành cho em bé. Du khách chỉ mất chừng 10.000 đồng là có thể thỏa niềm đam mê cho 2 loài cá này thi nhau bú bình sữa.


Một trong những trò chơi tại cồn Phụng

Chị Nguyễn Thị Bích Vân, ngụ quận 6, TP.HCM nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Khu du lịch sinh thái cồn Phụng. Được mọi người giới thiệu trò chơi cho cá bú bình sữa, tôi và 2 con nhỏ cùng tham gia. Cảm giác rất thích thú khi nhìn những chú cá thi nhau há miệng bú bình để nuốt thức ăn như những em bé, trông rất ngộ nghĩnh. Ngoài ra, khi đến đây, tôi và chồng cho con tham gia một số trò chơi dân gian để các con có sự trải nghiệm cuộc sống làng quê, vốn mang nhiều màu sắc của người Việt Nam”.

Đến với cồn Phụng, du khách được tận hưởng khí hậu mát lành, hiền hòa cùng nhiều hoạt động kiểu du lịch sinh thái miệt vườn. Chắc chắn, du khách sẽ hài lòng với cung cách phục vụ lẫn nhiều điểm tham quan lý tưởng của quê hương Đồng Khởi./.

Trước đây, cồn Phụng có tên là cồn Tân Vinh. Về sau, nó còn có một tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa. Nguyên do là vì ông Nguyễn Thành Nam (1909-1990) đến đây xây chùa Nam Quốc Phật và thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa vào đầu thế kỷ XX. Và trong thời gian xây dựng ngôi chùa ấy, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim phụng, nên nó còn được gọi là cồn Phụng. Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Tiền được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành, hạnh phúc: Long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là "long", cồn Thới Sơn là "lân", cồn Biện Quy là "quy" và cồn Tân Vinh là "phụng" (theo Wikipedia).

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết