Tiếng Việt | English

07/02/2017 - 10:15

Đầu năm “xông đất” một làng chài

Vạn chài trải dọc bờ sông dẫn ra cửa biển. Nhà cửa cư dân biển nối nhau như sóng cuộn lô xô phủ kín bãi bờ. Sáng mùng 5 tết, tôi tản bộ trên con đê bêtông lát đá xanh có hàng sứ đại khép tán một bên. Từng cụm ghe, tàu đủ loại neo đậu chật bến, bóng cờ đỏ, sao vàng tung bay trên từng nóc ca-bin, tất cả đều sẵn sàng cho giờ xuất bến mở biển đầu năm.

Trưởng vạn Trần Tý - một ngư dân lão luyện nói: Theo thông lệ, mùng 6 tết, xã chủ trì lễ xuất quân của vạn ngư nghiệp nhưng năm nay huyện đứng ra tổ chức long trọng hơn, có báo, đài các nơi về đưa tin nên dời lại ngày 12 tháng Giêng âm lịch.


Tàu là nhà, biển là quê hương. Ngư dân cần có những con tàu với ca-bin như tòa nhà vững chãi để an tâm bám biển, để đủ sức đối phó mọi tình huống không mong muốn trên biển cả vô thường...

Ông trưởng vạn chợt nói: “Thật ra, năm nào cũng vậy, hễ chuẩn bị ăn tết là ngư dân cả vạn họp, chọn ai hạp tuổi, cử ra đúng giờ giao thừa thì vào đền thờ Ông Nam Hải(*) đánh trống liên hồi rồi ra bến có sẵn mâm đồ cúng trên mũi ghe để cúng, cầu cho năm mới mở biển xuôi buồm thuận gió, ngư dân vạn chài trúng mùa cá tôm phủ phê. Cúng xong, người này lên ca-bin nổ máy, lái ghe xuất bến, chạy ra biển chừng một cây số để cúng mở biển rồi quay ghe trở về bến. Sau đó, ai trong vạn đi biển thì cứ đi, vì thủ tục như vừa kể đã làm xong! Quy ước của vạn ngư nghiệp thành lệ vậy rồi. Lúc này ghe tàu ra biển chỉ đánh bắt nhanh rồi về, nên bữa nào cũng có hải sản tươi ngon mang về chợ cá của vạn đều đều trong mấy ngày tết”...

Chân dung một thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ

Ngôi nhà tường khang trang lộng gió biển. Từ nhà nhìn ra thấy toàn cảnh bến thuyền. Chị chủ nhà trạc 35 tuổi, chỉ tay ra bến, nói: “Tàu của ông xã em neo ở đó. Tụi em được Nhà nước hỗ trợ vay vốn 16 tỉ, rồi mình bỏ thêm hơn 2 tỉ đồng nữa, sau đó, mỗi phiên biển bổ sung thêm cái này cái khác, đến giờ gần 20 tỉ đồng”.

Chị vui miệng kể tiếp: “Tàu đóng ở Hải Phòng, vừa đưa về, đi chuyến đầu thu được hơn 400 triệu đồng; chia chủ 7, bạn 3. Tàu có 12 bạn, sau phiên biển 20 ngày mà mỗi bạn được 10 triệu đồng; cơm nước chủ bao hết, nên bạn ham lắm. Hiện giờ, nhiều trai trẻ các nơi đến xin đi bạn cho các tàu đánh bắt xa bờ”. Bạn, tức ngư dân lao động trên ghe tàu ở ngư trường. Bất chợt, chị lấy di động gọi cho chồng. Sau đó chị cho biết, chồng chị đang ở quán cà phê Bến Thuyền, điểm gặp gỡ trên bờ của các thuyền trưởng và bạn.

Anh - chủ tàu kiêm thuyền trưởng - Nguyễn Thành Trung, 44 tuổi, vẻ mặt cương nghị, rắn rỏi, tự giới thiệu: “Em biết đi biển từ lúc còn học THCS, rồi yêu nghề biển luôn. Năm 18 tuổi, em lái chiếc ghe ông già cho từ Bình Định vào đây lập nghiệp”.

Từ chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ, giờ đây, Trung sở hữu một con tàu sắt với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như tàu cá Nhật Bản. Trung tự bạch, nghề biển thời @, anh phải tự tìm thầy, tìm sách mà học để sử dụng cho được các thiết bị công nghệ mới, sau khi lấy chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá do Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) đào tạo.

Tôi hỏi Trung thường chọn ngư trường nào? Trung cho biết, chủ yếu đánh bắt vùng biển Tây Tổ quốc. Vùng này vẫn có nhiều cá ngừ đại dương, cá thu, cá bớp, cá dĩa, cá mú,... là những loại cá rất có giá trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Hỏi có khi nào tàu Trung đi lạc vào lãnh hải nước bạn không? Trung nói không, nhưng có một số tàu cá bên mình lạc vào biển Indonesia, phiền lắm! Là thuyền trưởng một tàu cá lớn, Trung phải học các luật về biển, về hàng hải Việt Nam và quốc tế; học cách ứng xử các tình huống trên biển,... và phải rành từng tọa độ trên biển nữa. Tàu thì có đủ hải đồ, máy dò luồng lạch, máy tầm ngư,... để đánh bắt cho trúng.

Trung tâm sự: “Nghề biển, nhất là khi đánh bắt xa bờ dài ngày, ngư dân ai cũng xem nhau như tình đồng đội trong quân ngũ. Do vậy mà bữa đó, gió cấp 8, cấp 9, biển động dữ, tàu em đang trên đường về, chỉ thấy tín hiệu SOS trên Icom là em cho tàu quay trở lại khơi xa vì mình là tàu sắt lớn, chịu được bão cấp 11-12, cứu tàu bạn gặp nạn là nghĩa vụ, là lương tâm, nên tốn mấy cũng không từ”.


Thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ - Nguyễn Thành Trung trong quán cà phê trước giờ vươn khơi bám biển

Sau 8 ngày tìm kiếm chiếc tàu cá bị hỏng máy trôi tự do trên biển rồi bị sóng đánh gần chìm nghỉm giữa đại dương, 8 ngư dân trên tàu đang chống chỏi hụt hơi với sóng dữ. Giữa lúc nguy cấp ấy, Trung phát hiện được và cho tàu mình tiếp cận. Trung kêu anh em trên tàu khẩn cấp cứu người trước. Sau khi đưa được hết 8 ngư dân gặp nạn lên tàu, cả tàu còn phải vật lộn với sóng to gió lớn mới kéo được tàu cá đang chìm gần mất dạng lên mặt biển rồi lai dắt vào bờ.

Sau đó ít lâu, Trung cũng gặp một trường hợp tương tự như vậy và anh cứu vớt thành công cả tàu cá lẫn số thuyền viên gặp nạn. Trung đưa cuốn sổ tay cho tôi xem anh ghi diễn tiến việc cứu tàu, cứu người ở tọa độ nào, số hiệu tàu, chủ tàu,... rồi nói, chủ tàu xin hậu tạ nhưng anh từ chối dù số xăng dầu mà tàu BV-96688-TS của anh tiêu tốn trong thời gian tìm kiếm, cứu nạn không nhỏ. Anh chỉ nhận bằng khen của tỉnh và các cơ quan chức năng thôi.

Năm nay vừa tròn 44 tuổi đời, gần 30 năm tuổi nghề, ngư dân - thuyền trưởng Nguyễn Thành Trung đầy vẻ lịch lãm, dạn dày sương gió biển khơi. Anh thân thiết với từng hòn đảo lớn, nhỏ trên khắp biển Tây của Tổ quốc. “Mỗi lần tàu đi qua quần đảo Côn Lôn với 16 đảo to, đảo nhỏ quần tụ trên biển xanh, em đều cho tàu chạy thật chậm để thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi đây cho mình có được cuộc sống yên bình như hôm nay” - Trung nói trong một niềm cảm xúc trào dâng.

Bất chợt, giọng Trung mạnh như sóng vỗ bờ: “Ngư dân tụi em ý thức rằng, đi biển, mỗi ghe tàu là một cột mốc sống của biên cương Tổ quốc. Dù là Hoàng Sa, Trường Sa hay bất cứ vùng biển, đảo nào của Tổ quốc cũng cần có ngư dân làm tai, mắt cho các lực lượng chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương, Tổ quốc thân yêu của mình”.

Được ngày tốt, phải mở biển thôi!

Sáng mùng 6 tết được xem là ngày tốt, ngư dân cùng vào đền thờ Ông Nam Hải thắp nhang cầu xin sự an lành rồi lên ghe, lên tàu đi mở biển. Tôi nghĩ, việc dời ngày làm lễ tổng ra quân vào lúc “hết mùng hết tết” thì chậm quá, nên ngư dân vạn chài cứ lấy ngày tốt là mùng 6 tết đi mở biển thôi! Tôi nhìn con tàu BV-96688-TS của Nguyễn Thành Trung cùng các con tàu khác cũng cao lớn, uy nghiêm như vậy xuất bến, lừng lững ra khơi cùng các ghe tàu truyền thống kết thành đội ngũ tiến vào ngư trường trong mịt mù khói sóng, kết thành hàng hàng cột mốc sống động nơi biển, đảo biên cương của Tổ quốc thiêng liêng đời đời bền vững. Xin chúc các anh có chuyến đi biển đầu năm “cá nặng thuyền đầy” và tràn đầy hạnh phúc!

Trên đây là tôi ghi vội về cuộc du xuân của mình tại vạn ngư nghiệp Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khi vừa hết Tết Đinh Dậu 2017./.

(*): Trong tâm thức cư dân biển xem cá voi là Thần hộ mệnh, Thần biển linh ứng cứu người gặp nạn trên biển; cá voi còn là biểu tượng của sức mạnh chống bão tố, mang đến sự bình an cho ngư dân ở khơi xa. Họ không gọi cá voi mà tín vọng gọi “cá Ông”, “Ông Nam Hải”. Cá voi chết dạt vô bờ hay mắc cạn mà chết thì gọi “Ông lụy” và được cả vạn chài tổ chức tang lễ trọng, chôn cất tử tế. Ba năm sau thì lấy cốt Ông đưa vào đền thờ. Quốc sử quán triều Nguyễn có chép rằng, cá Ông Voi có tính từ thiện, hay giải cứu cho người và chỉ linh ở trong biển Nam (Nam Hải), còn ở các biển khác thì không linh. Hiện nay, các vạn chài từ Bắc chí Nam hầu như đâu đâu cũng có tín ngưỡng thờ cá voi, có đền thờ Ông Nam Hải, có lăng Ông Nam Hải,... và mỗi khi đi biển dài ngày thì đến đó mà cầu ngư, cầu an cho chuyến đi được thành công mỹ mãn.

Du ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết