Tiếng Việt | English

22/12/2017 - 19:57

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia: Hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập

Không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia còn hạn chế được tình trạng giá thuốc “tát nước theo mưa,” xóa đi sự chênh lệch giá thuốc giữa các vùng, các bệnh viện.


(Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị triển khai kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2017, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/12. 

Hiệu quả, giảm chi phí 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, suốt thời gian dài, giá thuốc tại Việt Nam cao hơn mặt bằng chung so với các nước trong khu vực, dẫn đến số tiền mà Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các loại thuốc hàng năm rất cao. 

Đơn cử, năm 2016, chỉ riêng về thuốc, Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 31.000 tỷ đồng, chiếm 41% tổng chi bảo hiểm y tế. Vì vậy, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia được lựa chọn và đây cũng là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Kinh nghiệm thực tế của nhiều quốc gia cho thấy, việc đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm được 50% giá thuốc biệt dược gốc sắp hết hạn bảo hộ độc quyền, bên cạnh nhiều loại thuốc generic cũng giảm rất nhiều. 

Trong năm đầu tiên thực hiện đấu thầu tập trung, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã đấu thầu 5 gói thầu với 22 loại thuốc (5 biệt dược gốc và 17 thuốc generic) với giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng, tương đương giảm 17% so với giá kế hoạch. 

Trong đó, biệt dược gốc tiết kiệm 114,3 tỷ đồng, giảm khoảng 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu; thuốc generic tiết kiệm 362,7 tỷ đồng, giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch... 

Đồng quan điểm, ông Đào Khánh Tùng, cán bộ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, đấu thầu tập trung sẽ giúp mua được thuốc với giá rẻ nhất, tiết kiệm tối đa cho ngân sách. 

Giá thuốc đồng đều giữa các cơ sở y tế giúp Chính phủ kiểm soát tốt giá thuốc trên thị trường, giảm tối đa chi phí hành chính trong đấu thầu mua sắm thuốc, góp phần phòng chống lãng phí, thất thoát, thiếu minh bạch trong cung ứng thuốc… 

Vẫn còn nhiều băn khoăn 

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện đấu thầu thuốc tập trung từ năm 2013 đến nay. 

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết), đấu thầu tập trung đã trở thành chìa khóa giúp thống nhất giá thuốc trong các bệnh viện thành phố và các quận, huyện. 

Bên cạnh đó, khi đấu thầu tập trung, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm cùng tham gia cũng giúp cho giá trúng thầu giảm mạnh so với trước. 

Tuy nhiên, ông Dũng cảnh báo, đấu thầu tập trung sẽ gặp tình huống nhà thầu trúng thầu không cung ứng được thuốc và dẫn đến tình trạng thiếu thuốc diện rộng trên cả địa bàn. 

Mặt khác, dễ xảy ra tình trạng có sự chênh lệch về chất lượng thuốc trong cùng một gói thầu khiến một số thuốc có chất lượng thấp nhưng vẫn trúng thầu. 

Còn bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn, hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện truyền dữ liệu lên cổng thông tin điện tử. 

Tuy nhiên, các địa phương lại đang sử dụng nhiều loại mã hóa khác nhau cho cùng một loại thuốc trúng thầu. Điều này sẽ khiến cho việc thanh toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội gặp nhiều khó khăn và nhiều địa phương bị xuất toán “oan.”

Bên cạnh đó, việc điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện, các địa phương phải thông qua sự điều phối của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ làm chậm quá trình này, gây ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh. 

Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Y tế cần bổ sung thêm nhiều loại thuốc vào danh mục đấu thầu thuốc tập trung bởi hiện thuốc ung thư mới chỉ đấu thầu tập trung một hoạt chất nhưng thực tế khi điều trị cần phải tiến hành ghép liều.

Nếu bác sỹ ghép liều giữa hoạt chất đấu thầu tập trung và một hoạt chất khác sẽ không được Bảo hiểm y tế thanh toán. 

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện thừa và bệnh viện thiếu để kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho người bệnh. 

Để tiếp tục quản lý tốt giá thuốc, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ có những quy định chặt chẽ như bắt buộc doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo cung ứng đủ thuốc trúng thầu, chia nhỏ hơn nữa các gói thầu để tránh tình trạng thuốc giá rẻ, chất lượng không tốt nhưng vẫn trúng thầu do cùng một gói thầu với các loại thuốc trúng thầu khác. 

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia phân quyền tối đa cho các Sở Y tế địa phương để các đơn vị tự phối hợp trong việc điều chuyển thuốc, đồng thời tăng cường đàm phán giảm giá ngoài đấu thầu tập trung quốc gia đối với các biệt dược gốc sắp hết thời hạn bảo hộ, nhằm có được giá thuốc tốt nhất phục vụ người dân./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích